Tăng cường tuyên truyền phòng chống mại dâm qua truyền thông đại chúng
Thực hiện nhiệm vụ được phân công, Cục Báo chí tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mại dâm; hoạt động của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống mại dâm; thông tin, tuyên truyền về các hành vi, phương thức hoạt động mại dâm đặc biệt là mại dâm có tổ chức, thành phần mại dâm mới để nhân dân xã hội biết phòng ngừa, tố giác; tuyên truyền kết quả xét xử các vụ án trọng điểm; nêu những gương tốt, việc tốt về các cá nhân, tổ chức có những thành tích trong công tác phòng, chống mại dâm tại các buổi giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.
Trong năm 2019, Cục đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông duy trì việc tập hợp, đánh giá thông tin truyên truyền trên báo chí về công tác phòng chống mại dâm; chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường đẩy mạnh truyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm đến toàn thể tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc và cộng đồng.
Qua theo dõi thông tin trên báo chí tuyên truyền về công tác phòng, chống mại dâm cho thấy, trong năm qua, các cơ quan báo chí đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản và các cấp ủy Đảng, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, có lộ trình. Đồng thời, Ban biên tập các cơ quan báo chí đã chú trọng đến việc tuyên truyền tinh thần công tác phòng, chống mại dâm ngay trong nội bộ cơ quan. Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã tập trung truyên truyền về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác phòng, chống mại dâm; xây dựng chuyên trang, chuyên mục với hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự cùng tuyến thông tin phong phú, nhiều chủ đề thiết thực, tạo hiệu ứng xã hội sâu rộng; cử phóng viên chuyên trách theo dõi, đưa tin. Có thể thấy, việc tuyên truyền được làm thường xuyên, liên tục, đậm đặc và thuyết phục.
Cục đã sát sao chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền giáo dục từ các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức đoàn thể, tổ chức cộng đồng về hành vi tình dục lành mạnh, hạnh phúc, thủy chung, an toàn cho các nhóm dân cư, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao về mua, bán dâm. Thông tin giáo dục rộng rãi cho nhân dân về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong phòng, chống tệ nạn mại dâm; tạo phong trào toàn dân lên án, phát hiện tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Thông điệp phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có mại dâm, được các cơ quan báo chí truyền tải sâu rộng với nhiều hình thức. |
Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền các chương trình giáo dục về giới tính trong các bậc học phổ thông cơ sở, phổ thông trung học; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và trung học phổ thông.
Tăng cường công tác bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng viễn thông tạo thuận lợi cho việc truyền tải các thông điệp, thông tin về phòng, chống mại dâm; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn hoạt động môi giới mua bán dâm trên mạng viễn thông, internet.
Triển khai các hoạt động tại Đề án “Truyền thông về phòng, chống mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Năm 2019, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình thực hiện phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại hai tỉnh Bình Dương và tỉnh Lâm Đồng. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các Bộ: Y tế, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Qua hoạt động kiểm tra thực tế ở một số địa phương, phát hiện còn một số vấn đề hạn chế: Một số địa phương thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm còn chưa thường xuyên, liên tục; hình thức tuyên truyền còn đơn giản, chưa có sức lan tỏa sâu rộng tác động mạnh đến ý thức của người dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa và miền núi nên kết quả đạt được còn hạn chế; ở một số đài phát thanh, truyền hình địa phương chưa được thực hiện đồng bộ; chất lượng nội dung chương trình chưa cao. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và đơn vị liên quan đôi khi còn những khó khăn, bất cập. Tình trạng hiểu biết pháp luật của người sử dụng dịch vụ còn thấp, chưa hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật.