Tăng cường minh bạch trong ngành Ngoại giao
Theo tin từ Học viện Ngoại giao, chương trình “Sáng kiến Phòng chống tham nhũng Việt Nam” năm 2014 (VACI 2014) với chủ đề “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình”, do Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức đã trao giải cho 19 đề án xuất sắc nhất trong tổng số gần 200 đề án dự thi.
Các đề án đạt giải là những sáng kiến xuất sắc, có tính khả thi cùng khả năng lan tỏa mạnh mẽ và rộng lớn trong xã hội. Trong số các đề án đạt giải, đề án P33: “Ngoại giao minh bạch” (ACID), do Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại – Học viện Ngoại giao thực hiện, được đánh giá là một trong những đề án sáng tạo và có tính ứng dụng cao.
Xuất phát từ thực trạng hiện nay còn thiếu những hoạt động mang tính hệ thống nhằm tăng cường tính minh bạch trong ngành ngoại giao nói chung và trong các vụ, các cơ quan ngoại giao nói riêng, Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại đã triển khai xây dựng đề án “Truyền thông nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của cán bộ ngành ngoại giao” (Aspiration, Communication, Interaction & Dynamism Towards Transparency, viết tắt là “ACID”), hướng tới các nhóm đối tượng chính, đó là: sinh viên Học viện Ngoại giao và cán bộ ngoại giao tham gia các lớp học tiền công vụ, lớp học luân chuyển tại Học viện Ngoại giao.
ACID là dự án đầu tiên về nâng cao tính trách nhiệm, tăng cường minh bạch trong ngành Ngoại giao nói chung và trong công tác đào tạo quản lý cán bộ Ngoại giao nói riêng. Trong thời gian tới, nhóm dự án ACID gồm các giảng viên Khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại cùng một số sinh viên nòng cốt của Học viện Ngoại giao sẽ triển khai các hoạt động dưới sự bảo trợ của Ngân hàng thế giới, các nhà tài trợ và Thanh tra Chính phủ.
Các hoạt động chính của đề án bao gồm: xây dựng Bộ quy tắc ứng xử, cuốn sổ tay “Ngoại giao minh bạch” (infographic), các ngày hoạt động bên lề “Ngày hội hướng nghiệp” thường niên của Học viện, các clip, phim ngắn sinh động để truyền tải những thông điệp nhạy cảm một cách gần gũi, cởi mở và dễ tiếp nhận. Trong vòng 12 tháng thực hiện, đề án sẽ liên tục tiếp nhận phản hồi từ phía sinh viên, giảng viên, cán bộ ngoại giao cũng như công chúng nói chung... để tạo ra hiệu quả cao nhất.