Tăng cường đào tạo phát triển y học biển
Ảnh minh hoạ. |
Mức chăm sóc y tế thấp hơn vùng khác
Theo tính toán của Bộ Y tế, nước ta có 3.200 km bờ biển, 3.000 hòn đảo, bãi đá lớn, nhỏ gần và xa bờ, với hơn 1 triệu km2 vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải. 151 quận huyện thị xã ven biển, đảo, 28 tỉnh thành phố có biển chiếm 20 % diện tích của cả nước. Trong khi đó, thực trạng vấn đề sức khoẻ rất đáng quan tâm như các chỉ số tủ số tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi, đều cao hơn mức trung bình của cả nước.
Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp, dược sĩ đại học trên 1 vạn dân càng quá thấp, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân cũng không đạt tỷ lệ nhà nước đề ra.
Nếu tính theo tỷ lệ dân số thì nước ta có tới 29,2 triệu người bằng 34 % dân số của cả nước đang sống tại các khu vực có biển, đảo.
Ngoài ra, còn khoảng 1 triệu ngư dân đang sinh sống và làm việc trên 119.000 tàu cá trong đó có 28 nghìn tàu đánh bắt xa bờ. Chính vì thế, việc chăm sóc sức khoẻ của ngư dân, bà con vùng biển, đảo vô cùng quan trọng.
Năm 2013, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ký đề án phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay dù đã đạt được các thành công nhất định song vẫn còn vô vàn khó khăn.
Đề án cũng nên rõ mục tiêu về nhân lực rất quan trọng trong đó ban hành định mức biên chế tại các bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo, trạm y tế xã đảo, nhà dàn, trung tâm vận chuyển cấp cứu, đội cơ động, tàu bệnh viện... làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo.
Bộ cũng ban hành tiêu chuẩn về sức khỏe, độ tuổi, giới; nghĩa vụ, trách nhiệm, chính sách, chế độ thu hút, ưu đãi; quy định về đào tạo và đào tạo lại; đối với cán bộ viên chức ngành y tế được bố trí công tác trên biển, đảo.
Địa phương còn chưa mặn mà
Tuy nhiên thực tế, nguồn nhân lực để phát triển lại gặp rất nhiều khó khăn như thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn cao tại các cơ sở khám chữa bệnh trên các huyện đảo; thiếu hụt cán bộ có trình độ sau đại học chuyên ngành y học biển tại các cơ sở khám chữa bệnh ven biển và tại các bệnh viện được giao nhiệm vụ thu nhận cấp cứu trên biển.
Trang thiết bị y tế đặc thù phục vụ cấp cứu, vận chuyển trên biển, đảo còn thiếu; cơ sở hạ tầng y tế trên đảo tuy đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên các công trình phụ trợ chưa đầy đủ, không đủ năng lực hoạt động khi có mưa bão chia cắt dài ngày; thiếu phương tiện vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên biển.
Một số địa phương chưa được bố trí nguồn từ ngân sách thường xuyên còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai Đề án 317, coi đây là nhiệm vụ của ngành y tế.
Đặc biệt, một số Bộ ngành, địa phương, một bộ phận cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa chính trị - kinh tế - xã hội của Đề án 317 gắn với chiến lược biển Việt Nam, do vậy chưa triển khai hoặc triển khai chiếu lệ, chưa đầy đủ nội dung của Đề án 317 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để phát triển nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư phát triển chuyên ngành y học biển, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế biển; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao có trình độ sau đại học về y học biển, song song với việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội cho khu vực biển, đảo; bên cạnh khoa y học biển của trường Đại học Y Hải Phòng, thành lập thêm hai Bộ môn Y học biển tại trường Đại học Y Huế và Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh; lấy Viện Y học biển làm nòng cốt; đẩy mạnh đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên và kỹ thuật viên y học biển, đáp ứng nhu cầu của các địa phương ven biển, đảo và các ngành kinh tế biển. Thành lập 01 trung tâm huấn luyện cấp cứu trên biển tại Bệnh viện Quân dân y 78, Phú Quốc - Kiên Giang.
Hiện nay, Viện Y học biển đã củng cố kiện toàn Trung tâm Y học dưới nước – cao áp và khoa Cấp cứu biển và Hồi sức tích cực. Hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phục vụ phát triển chuyên ngành y học biển; tham gia đào tạo chuyên ngành cho các bậc học (sau đại học, chuyên khoa định hướng, cấp cứu ban đầu trên biển, sỹ quan Boong, ngư dân…)
Về phía bà con ngư dân, hiện nay phần lớn bà con ngư dân còn thiếu hiểu biết, chưa “đòi hỏi” nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe mỗi khi ra khơi nên công tác triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Bộ Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để bà con biết được quyền lợi được chăm sóc y tế của mình.