Tân Ngoại trưởng Mỹ lên tiếng về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 27/1 nhấn mạnh, Mỹ phản đối các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ông Blinken cho hay, Mỹ sẽ ủng hộ các quốc gia Đông Nam Á chống lại những sức ép từ phía Trung Quốc.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken đưa ra tuyên bố trên trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin. Trong cuộc nói chuyện, ông Blinken còn đề cập tới tầm quan trọng của hiệp ước quốc phòng lâu đời giữa Mỹ và các nước đồng minh.
Tàu chiến và máy bay Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hồi năm 2018. (Ảnh: Reuters) |
“Bộ trưởng Blinken cam kết sát cánh cùng các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đối mặt với sức ép từ Trung Quốc”, Reuters dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ.
Cũng theo tuyên bố, “Bộ trưởng Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Quốc phòng song phương vì an ninh của Mỹ - Philippines và áp dụng thỏa thuận này trong trường hợp các lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông”.
Cũng trong ngày 27/1, Bộ trưởng Locsin cho hay Philippines đã gửi công hàm phản đối việc Trung Quốc thông qua bộ luật cho phép tàu hải cảnh nước này nổ súng vào tàu nước ngoài. Theo quan chức Philippines, động thái của Trung Quốc “đe dọa làm bùng nổ chiến tranh”.
Trước đó, vào ngày 22/1, Trung Quốc đã thông qua bộ luật cho phép lực lượng hải cảnh dùng “tất cả các phương án cần thiết” để chặn đứng hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài bao gồm phá hủy các công trình mà những quốc gia khác xây dựng trên các bãi đá Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Gần nhất, hôm 24/1, quân đội Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã tiến vào Biển Đông để thực hiện sứ mệnh “tự do hàng hải”.
Còn vào ngày 26/1, Trung Quốc cho biết sẽ tổ chức các cuộc tập trận riêng ở Biển Đông trong tuần này.
Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Blinken khẳng định “Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông bởi những tuyên bố này vượt ra ngoài các vùng biển mà Trung Quốc được phép tuyên bố theo luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc gia tăng sức ép với Đài Loan sau lễ nhậm chức của TT Biden
Trung Quốc cho điều động số lượng lớn máy bay quân sự vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan trong 2 ngày liên tiếp cuối tuần qua.
Minh Thu (lược dịch)