Tâm sự của bác sĩ cắm chốt ở vùng dịch
Bác sĩ Tuấn là bác sĩ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid - 19 tại phòng khám Đa khoa khu vực Quang Hà. |
“Cắm chốt” vùng dịch
“Đầu quân” tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bất cứ nhân viên y tế nào cũng hiểu về nhiệm vụ “lao vào vùng dịch” khi có dịch bệnh xảy ra.
Bước qua bao mùa dịch từ dịch Sars, cúm H5N1, cúm H1N1… bác sĩ Tuấn cho biết mỗi bác sĩ đều trau đồi kỹ lưỡng kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh. Trước khi thông tin dịch Covid – 19 gia tăng ở Bình Xuyên, bác sĩ Tuấn đã được tập huấn rất nhiều và tìm hiểu về virus Sars-Cov-2. Nhưng bác sĩ cũng không được chủ quan vì đây là virus rất mới và chưa thể hiểu hết về nó.
Không bám trụ tại Bệnh viện, anh Tuấn tham gia vào tổ công tác đặc biệt của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống dịch Covid-19. Nhiệm vụ của anh là “cắm chốt” ở vùng dịch chưa xác định thời hạn.
Nhận lệnh lên đường vào đúng ngày 14/2, bác sĩ Tuấn cho biết “lệnh” đi là cuộc điện thoại, không chờ đợi công văn. Anh vội xách balo tư trang cá nhân đã chuẩn bị sẵn để ở bệnh viện lên xe về với Bình Xuyên.
Khi đó Vĩnh Phúc đang trở thành điểm nóng về dịch Covid – 19 với 11/16 ca mắc. Đặc biệt là khi cả xã Sơn Lôi phải cách ly “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, thông tin về vùng dịch nóng lên từng giờ trên các mặt báo. Nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt là lên "nằm vùng", lập chốt "chống dịch covid - 19 như chống giặc".
Tiếp xúc với bệnh nhân Covid - 19, bác sĩ luôn tuân thủ nghiêm ngặt để phòng lây nhiễm bệnh. |
Thạc sĩ Tuấn là cán bộ duy nhất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương nhận nhiệm vụ lần này. Với anh, đây là môi trường thử thách để trưởng thành. Hàng ngày những “chiến sĩ áo trắng” vào vùng dịch hỗ trợ địa phương từ dự phòng, điều trị, truyền thông. Thành viên của tổ công tác đều tự nhủ bao giờ dập được dịch Covid -19 mới về với gia đình. Ai cũng làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Đã 10 ngày xa gia đình, thạc sĩ Tuấn tâm sự cuộc gọi đầu tiên về cho vợ con là tối 14/2. Khi lên tới Vĩnh Phúc nhận nhiệm vụ xong xuôi anh mới gọi về nhà.
“Lúc này, vợ con mới biết tôi cùng đoàn công tác lên Vĩnh Phúc, họ lo lắng vô cùng. Mọi người luôn dặn phải ăn uống đầy đủ, giữ sức khỏe. Trước tình hình dịch như hiện nay người thân lo lắng cũng là đương nhiên. Đôi khi, tôi đều động viên lại người thân để họ yên tâm” - bác sĩ Tuấn kể.
Chiến trường không tiếng súng
Bác sĩ Tuấn kể mỗi lần lướt tin tức thấy có đồng nghiệp của mình bên Trung Quốc nhiễm bệnh và qua đời, anh không khỏi xót xa và cảm nhận rõ sự đau đớn của người thân những nhân viên y tế qua đời.
Dịch bệnh - chiến trường không tiếng súng nhưng “sát thương” chẳng kém gì. Mỗi một chiến sĩ áo trắng ngã xuống, những người nằm vùng cắm chốt ngăn chặn dịch như anh Tuấn lại tự nhủ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình để dịch không lây lan ra cộng đồng, phòng hộ tốt nhất có thể để bảo vệ chính mình và đồng nghiệp.
Những “chiến sĩ áo trắng” luôn hy sinh thầm lặng. Anh cùng tổ công tác ngày đêm bước vào cuộc chiến khoanh vùng được virus, xây dựng “hàng rào sắt” ngăn chặn virus Covid – 19 ra cộng đồng. Chỉ khi nào hết dịch, họ mới được trở về với người thân.
Họ làm việc hết mình giúp người dân bớt hoang mang về dịch bệnh và phòng chống tốt nhất.
Mỗi bệnh nhân ra viện là một niềm vui. |
Đồng thời, các bác sĩ cũng hỗ trợ tuyến dưới trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid – 19. Mỗi bệnh nhân ra viện là họ thở phào nhẹ nhõm. Là người tham gia điều trị cho 5 bệnh nhân tại phòng khám Quang Hà, bác sĩ Tuấn cho biết hiện tại chỉ còn bệnh nhân N.V.V. 50 tuổi đang điều trị tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà sức khỏe rất tốt, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm hai lần đều âm tính với Covid – 19.
Bác sĩ Tuấn kể cuộc sống trong tâm dịch nhưng người dân vẫn rất bình thường. Họ luôn tạo điều kiện cho đoàn công tác của Bộ Y tế hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi các ban ngành vào cuộc trong việc phòng chống dịch ở Bình Xuyên nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung thì sau hơn 10 ngày tổ công tác về Bình Xuyên đến nay trạng thái, tinh thần của người dân đã trở lại vui vẻ bình thường.
Người dân đã có nhiều thông tin về dịch bệnh và họ đã nắm được cách phòng bệnh cũng như khi nào cần đến các cơ sở y tế. Bác sĩ Tuấn cho biết phương trâm tuyên truyền cho người dân “chủ động phòng bệnh nhưng không chủ quan”.
Đến ngày 24/2, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 11 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 10 bệnh nhân đã điều trị khỏi và ra viện. Trường hợp còn lại tiếp tục được điều trị với tình trạng sức khỏe ổn định.
Đặc biệt, từ ngày 13/2 đến nay, toàn tỉnh chưa ghi nhận thêm trường hợp bị nhiễm bệnh. Hiện, Vĩnh Phúc có 583 trường hợp được theo dõi, giám sát, trong đó 116 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh, 467 trường hợp tiếp xúc gần; 65 trường hợp đang được cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế.