Tạm dừng sáp nhập 2 Nhà hát sau nhiều tranh cãi
Tạm dừng sáp nhập 2 Nhà hát sau nhiều tranh cãi
Đó là quyết định vừa được Bộ VH,TT&DL đưa ra trong cuộc họp nội bộ với nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN chiều qua 8/5.
Nhà hát Tuổi trẻ bị xóa tên?
Chí Trung đắc cử Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ
Nghệ sĩ hoàn toàn không biết gì về đề án sáp nhập
Như Infonet đã đưa tin, trước đó, ngày 5/4, tại Nhà hát Tuổi trẻ đã diễn ra Lễ công bố Quyết định sáp nhập Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch VN thành Nhà hát Kịch quốc gia VN. Tuy nhiên, đằng sau lễ công bố này lại có rất nhiều ý kiến cho rằng lộ trình sáp nhập quá gấp gáp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nghệ sĩ, những người đóng góp công sức trực tiếp xây dựng thương hiệu 2 Nhà hát trong thời gian qua.
Trong cuộc họp khá căng thẳng và kéo dài chiều hôm qua, rất nhiều nghệ sĩ cho biết đều cảm thấy rất bất ngờ khi bỗng dưng lãnh đạo Bộ VH,TT&DL xuống Nhà hát đọc quyết định sáp nhập trong khi không hề công bố lộ trình chuẩn bị cho sự việc trên.
Không vô lý khi các nghệ sĩ bức xúc vì tới thời điểm này, 1 tháng sau khi Nhà hát Kịch Quốc gia VN thành lập nhưng tại cuộc họp này, các nghệ sĩ mới chính thức được biết đến bản đề án xây dựng Nhà hát Kịch Quốc gia VN. Nói như NSƯT Anh Tú, Trưởng đoàn kịch I Nhà hát Tuổi trẻ, bản thân anh là nghệ sĩ và là Đảng viên của Nhà hát này nhưng anh chưa một lần được cầm tờ đề án mà chỉ nghe phong thanh từ đạo diễn Lê Hùng, Giám đốc kiêm nhiệm 2 Nhà hát nhắc tới.
Theo anh, chủ trương thành lập Nhà hát Kịch Quốc gia VN là hoàn toàn đúng song cách tiến hành như vừa qua còn có nhiều lỗ hổng và thiếu dân chủ. Tại sao cả một đề án lớn như vậy mà lại bỏ qua khâu trưng cầu ý kiến rộng rãi của anh chị em nghệ sĩ, những người gắn bó, đổ mồ hôi và tâm huyết cho sự phát triển của Nhà hát bao nhiêu năm qua.
Ngoài ra, công tác triển khai việc sáp nhập cũng không đúng như: chưa công bố đề án sáp nhập, chưa có đề án hoạt động cụ thể của mỗi đơn vị nhưng đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm, bầu ban lãnh đạo mới… Chính điều này đã gây nên những bất bình, nhiều tranh cãi, kiến nghị từ phía các nghệ sỹ, tạo nên hình ảnh không đẹp về nội bộ nhà hát cũng như hình ảnh là người của công chúng.
Vì thế, 100% các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều không nhất trí với việc sáp nhập và đề nghị tiếp tục giữ nguyên 2 Nhà hát hoạt động độc lập như hiện nay.
Sáp nhập để cứu nguy cho nghệ sĩ?
Cũng trong cuộc họp mới vỡ lở thông tin bi hài là, đề án được thông qua trong một cuộc họp mà nội dung chính không liên quan đến việc sáp nhập, hơn nữa, cũng chỉ là nói miệng mà không hề có biên bản cuộc họp. Bởi thế mới có chuyện, các nghệ sĩ thì tưởng, trước khi sáp nhập, lãnh đạo Bộ sẽ xuống tận nơi để thăm dò ý kiến nên họ cứ chờ đợi, ai dè đùng một cái có thông báo họp công bố Quyết định sáp nhập.
Trước thông tin này, ông Nguyễn Phúc Thảnh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ( Bộ VH,TT&DL) khẳng định: "Hôm nay chúng ta họp ở đây cũng là do đề nghị của các anh, qua ngần ấy lần họp và bấy nhiêu ý kiến, chứ Bộ không tự nhiên đẻ ra Nhà hát Kịch Quốc gia. Đây là tâm huyết của anh Hùng, người lâu năm trong ngành mà anh ấy lại là giám đốc của cả hai nhà hát. Bộ đã quá tin tưởng anh Hùng”.
Có lẽ người bị chỉ trích nhiều nhất trong suốt cuộc họp chiều qua là NSND Lê Hùng, giám đốc 2 Nhà hát. Im lặng, trầm tư lắng nghe tất cả các ý kiến, và chỉ khi được lãnh đạo Bộ đề nghị phát biểu, "thầy phù thủy" của làng sân khấu Bắc mới đưa ra những lý lẽ của riêng mình và những lợi ích lâu dài mà các nghệ sĩ chưa nghĩ đến.
Theo ông, việc sáp nhập thực chất là để cứu nguy cho các nghệ sỹ. Bởi Nhà hát Tuổi trẻ trước sau cũng phải tiến hành xã hội hóa. Vậy thì, khi rời khỏi “bầu sữa mẹ”-sự chu cấp của Nhà nước trong hoạt động nghệ thuật, các nghệ sỹ sẽ sống ra sao?
Ông cũng cho biết thêm, Nhà hát Kịch Quốc gia được thành lập để lo cho tương lai của các nghệ sỹ trẻ, được Nhà nước cấp thêm kinh phí, xây dựng thêm cơ sở vật chất để các nghệ sỹ tập luyện và có địa điểm biểu diễn. Mọi hoạt động của 2 Nhà hát vẫn được duy trì độc lập chứ không hề làm mất đi bản sắc, đặc trưng riêng.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ Anh Tuấn việc sáp nhập hay giải thể Nhà hát Kịch Quốc gia VN vừa mới thành lập sẽ được lãnh đạo Bộ bàn bạc và xem xét kỹ lưỡng. Thứ trưởng cũng cho biết thêm, tiêu chí ban đầu thành lập Nhà hát kịch Quốc gia là rất tốt. Đây là ước mơ lớn của nhiều thế hệ nghệ sỹ nếu chúng ta làm theo đúng quy trình, dân chủ, công khai minh bạch và thời điểm thích hợp.
Các cơ quan chức năng của Bộ đã tiến hành đúng quy trình, thẩm quyền nhưng cách làm còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Ông khẳng định, đây chưa phải thời điểm thích hợp để sáp nhập và nên giữ nguyên hai nhà hát như hiện nay và đề nghị Ban giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia dừng toàn bộ công việc về tổ chức và bổ nhiệm, Nhà hát Kịch VN và Nhà hát Tuổi trẻ vẫn hoạt động như cũ, đơn vị nào giữ nguyên đơn vị ấy.
Hà Trang