Tẩm bổ quá đà cho trẻ mắc Covid-19: Sai lầm nhiều bà mẹ mắc phải
Thấy con mắc Covid-19 sốt, mệt không ăn được gì nhiều bà mẹ vội vàng tẩm bổ cho con từ gà tiềm thuốc bắc tới yến chưng với hi vọng nhanh khoẻ.
Chị Bùi Thị Linh (Đống Đa, Hà Nội) chưa hết bàng hoàng kể về câu chuyện cả gia đình chị điều trị Covid-19. Mẹ chị mắc đầu tiên sau đó tới hai con của chị Linh và vợ chồng chị. Mẹ chị Linh và con trai 7 tuổi đều sốt, tiêu chảy, không ăn được gì.
Lo lắng cho sức khoẻ của người thân, chị Linh nhanh chóng mua nửa lạng yến 2 triệu đồng về tranh thủ chưng với đường phèn, táo đỏ để bồi dưỡng sức khoẻ.
Mỗi ngày, chị lại kiên trì chưng cho mỗi người 1 bát nhỏ vì nghĩ rằng bổ. Tuy nhiên, khi con trai chị vẫn bị tiêu chảy không dứt kèm theo bé mệt mỏi, người lả đi. Mẹ chị cũng như người bị mất nước mệt mỏi. Chị Linh vội vàng gọi cho bác sĩ nhờ tư vấn. Kết quả các loại thuốc đều uống đúng nhưng tiêu chảy vẫn không đỡ người lại mệt hơn.
Khi nghe bác sĩ nói cho ăn yến chưng, gà tiềm thuốc bắc trong giai đoạn cấp tính hoàn toàn không tốt mà chỉ tẩm bổ sau khi đã âm tính.
Không riêng gì chị Linh, chị Trần Thị Nga (Phan Văn Trị, Gò Vấp, TP.HCM) cũng chuẩn bị cho gia đình 1 lạng yến phòng Covid-19. Vừa mua được 2 hôm thì cả nhà lần lượt là F0. Chị Nga đã tranh thủ chưng yến với nấm đông trùng hạ thảo để tranh thủ tẩm bổ.
Con gái 10 tuổi của chị Nga ăn yến chưng xong lại bị đau bụng. Ban đầu chị Nga nghĩ đau do virus và mặc kệ cứ tẩm bổ cho bé ngày 1 bát yến chưng nấm đông trùng hạ thảo. Đến ngày thứ 4, bé vẫn tiếp tục tiêu chảy, không ăn được gì và mệt.
Chị Nga cho con đi tới bệnh viện. Bác sĩ cho biết bé bị mất nước do tiêu chảy không được bù nước và việc tẩm bổ với yến chưng trong giai đoạn Covid-19 không đúng, chỉ bồi bổ lấy lại sức khoẻ khi cơ thể đã phục hồi.
Yến chưng táo đỏ khi nào mới nên dùng? |
Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Thu Nga - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, có rất nhiều phụ huynh sai lầm trong việc tẩm bổ cho con khi mắc Covid-19. Ai cũng nghĩ là tốt cho con nhưng thực tế tẩm bổ sai thì hại hơn là không dùng.
Không ít gia đình than phiền tình trạng tiêu chảy, đầy bụng vì tẩm bổ quá đà. BS Nga cho biết theo quan niệm y học cổ truyền, những diễn tiến và biểu hiện của Covid-19 hiện nay có thể là ôn bệnh, thuộc bệnh ngoại cảm với cơ chế gây bệnh là do chính khí suy kém, tà khí nhân đó xâm nhập gây bệnh.
Trong giai đoạn cấp tính, người bệnh cần điều trị đó là cần tập trung khu tà, đẩy tà khí gây bệnh ra ngoài cơ thể rồi mới bồi bổ chính khí. Tức người bệnh khi nào khỏi bệnh mới bồi bổ.
Tương tự y học hiện đại, giai đoạn đang nhiễm Covid-19 cũng cần ưu tiên tiêu diệt virus gây bệnh. Người bệnh được khuyến cáo ăn uống đủ chất, uống nhiều nước, ăn đa dạng thực phẩm. Với việc tẩm bổ các thực phẩm đại bổ quá mức khi bệnh đang trong giai đoạn tiến triển sẽ khiến cơ thể không thể hấp thu hết chất dinh dưỡng, thậm chí làm tăng thêm gánh nặng cho các cơ quan vì phải chuyển hóa thêm những chất bổ kia.
Ngoài ra, thực phẩm bổ dưỡng không phải là bổ cho tất cả mọi người, có người dùng được, có người không dùng được. Ví dụ như tổ yến chưng ai cũng nghĩ là tốt cho sức khoẻ nhưng thực tế nó lại không hợp với người bị bụng đầy chướng, ăn không tiêu, đau bụng đi ngoài, phân lỏng, cơ thể hàn lạnh. Ngay kể cả vị thuốc nhân sâm cũng đại bổ khí nhưng không dùng cho người đang tiêu chảy và bị đau bụng.
BS Nga khuyến cáo khi người bệnh muốn sử dụng thực phẩm chức năng hay thực phẩm bổ dưỡng cho trẻ cần xin ý kiến của bác sĩ xem con mình dùng có phù hợp hay không.
Dinh dưỡng phù hợp đối với trẻ trên 6 tháng tuổi chỉ cần cung cấp thức ăn từ ít nhất bốn nhóm thực phẩm: Đạm, sữa và các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc và các loại hạt, trái cây và rau. Một chế độ ăn giàu vitamin A, B6, B12, C, D, E và các nguyên tố vi lượng (kẽm, đồng, selen, sắt,…) sẽ hỗ trợ mạnh mẽ hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Trong những ngày đầu mới âm tính, nên cho trẻ ăn lượng ít và chia thành nhiều bữa. Xen kẽ các bữa phụ với các loại đồ ăn nhẹ, đồ uống bổ dưỡng giữa ba bữa ăn chính cho đến khi trẻ biết thèm ăn.
Khánh Chi