Taliban nuốt lời vào phút trót, nữ sinh Afghanistan bật khóc vì không được đi học
Nhiều nữ sinh Afghanistan bật khóc vì uất ức khi tiếp tục không được đi học, sau khi Taliban bất ngờ tái công bố lệnh cấm.
Taliban bất ngờ ban bố lệnh cấm các nữ sinh Afghanistan học từ lớp 6 trở lên được phép đi học từ ngày 23/3, chỉ trước vài tiếng đồng hồ các trường học mở cửa hoạt động trở lại.
“Vâng, đó là sự thật”, phát ngôn viên của Taliban Inamullah Samangani trả lời khi được yêu cầu xác nhận thông tin yêu cầu các nữ sinh tiếp tục ở nhà thay vì tới trường học.
Học sinh tiểu học Afghanistan rời khỏi trường học ở thủ đô Kabul hồi tháng 3/2021. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, người này không giải thích thêm lý do vì sao lệnh cấm lại được công bố. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Giáo dục Afghanistan Ahmad Rayan cho hay, “Chúng tôi không được phép bình luận về vấn đề này”.
Lệnh cấm được công bố chỉ trước vài tiếng đồng hồ các trường học cho nữ sinh Afghanistan được mở cửa hoạt động trở lại.
Dưới sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế, Taliban ban đầu khẳng định các trường học sẽ được phép hoạt động sau Năm mới ở Afghanistan diễn ra vào ngày 21/3. Toàn bộ học sinh bao gồm nữ sinh được phép đi học, nhưng với điều kiện nam nữ phải ngồi riêng lớp và học riêng tiết.
Nhưng vào ngày 23/3, các nữ sinh học từ lớp 6 trở lên lại được yêu cầu ở nhà cho tới khi đồng phục trường học phù hợp với văn hóa và phong tục trong đạo luật Sharia và Afghanistan được thiết kế, hãng tin Bakhtar của Taliban nhấn mạnh.
Thông báo của Taliban ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Giới chức ngoại giao Mỹ khẳng định động thái của Taliban “gây thất vọng”.
Nữ sinh Tamana (18 tuổi) nói với CNN rằng cô đã tới trường học vào sáng ngày 23/3, nhưng lại không được phép vào trong trường.
“Đêm qua tôi đã không thể ngủ được vì quá vui mừng khi được đi học trở lại sau 8 tháng. Nhưng khi tôi và nhiều bạn học khác tới cổng trường vào sáng nay, chúng tôi lại được yêu cầu trở về nhà cho tới khi có thông báo mới. Toàn bộ các bạn trong lớp của tôi đã òa khóc”, Tamana nói niềm hy vọng được đi học trở lại của cô bé đã một lần nữa tan vỡ.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục Afghanistan vẫn khẳng định “đảm bảo đầy đủ quyền lợi được đi học cho người dân quốc gia”.
Phái đoàn Liên Hợp Quốc ở Afghanistan bày tỏ trên Twitter rằng “lấy làm tiếc” trước quyết định của Taliban khi kéo dài “lệnh cấm hoàn toàn nữ sinh học từ lớp 6 trở lên được phép trở lại trường học”.
Ông Ian McCary, trưởng phái đoàn đại sứ quán Mỹ tại Kabul và gần đây đang hoạt động ở Doha, nhấn mạnh ông “vô cùng bồn chồn” khi hay tin các nữ sinh Afghanistan không được phép trở lại trường học.
“Thông tin này là vô cùng đáng thất vọng và trái với những tuyên bố cùng lời cam kết của Taliban. Toàn bộ thanh thiếu niên Afghanistan có quyền được đi học”, ông McCary viết trên Twitter.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Nhân quyền, Bé gái và Phụ nữ Afghanistan Rina Amiri cũng khẳng định động thái trên đã làm “suy yếu sự tin tưởng” đối với Taliban, đồng thời “khiến niềm hy vọng của các gia đình về một tương lai tươi sáng hơn cho con gái ngày càng trở nên xa vời”.
Hồi tháng Hai, Afghanistan đã mở cửa trở lại một số trường Đại học cho nam và nữ sinh sau thời gian đóng cửa từ tháng 8/2021, thời điểm Taliban chiếm được thủ đô Kabul.
Vào thời điểm đó, Taliban nhấn mạnh cần thiết lập hệ thống giao thông vận tải an toàn cho các nữ sinh trước khi các em trở lại lớp học.
Trong giai đoạn nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 – 2001, Taliban đã cấm phụ nữ và bé gái được phép đi học và đi làm.
Hồi tháng 9/2021, phát ngôn viên Taliban Zabiulah Mujahid xác nhận với CNN rằng nữ giới sẽ được phép đi học, nhưng cái gọi là “sắc lệnh về quyền phụ nữ” được công bố vào tháng 12 cùng năm lại không nhắc tới chuyện đi học và đi làm đối với nữ giới
Cũng trong tháng 12/2021, Taliban cấm phụ nữ thực hiện các chuyến đi đường dài một mình trên lãnh thổ Afghanistan. Theo đó, khi muốn thực hiện hành trình trên 72 km, phụ nữ Afghanistan cần có nam giới đi cùng.
Vì sao nhà giàu Trung Quốc cho con đi du học nhưng kéo về nước lập nghiệp?
Vẫn tin tưởng vào nền giáo dục phương Tây, nhưng phụ huynh Trung Quốc có xu hướng kéo con về nước lập nghiệp sau khi hoàn thành chương trình học.
Minh Thu (lược dịch)