Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rình rập ở các làng nghề
Ảnh minh họa |
Hiện, cả nước có trên 5.000 làng nghề, giúp tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động và sức khỏe như: Ý thức kỷ luật, tuân thủ pháp luật thấp, công nghệ sản xuất kém tiên tiến, điều kiện lao động nhiều rủi ro, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới nhiều bất cập, nguy cơ tai nạn lao động rình rập người lao động.
Để góp phần hạn chế các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra trong khu vực phi chính thức, với mục tiêu nâng cao kiến thức cho các lao động trẻ về các quy định pháp luật về ATVSLĐ cũng như cách nhận biết, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc, Cục An toàn lao động phối hợp với dự án An toàn và Sức khỏe cho Lao động trẻ - Văn phòng ILO tại Hà Nội và các chuyên gia thực hiện khảo sát về ATVSLĐ tại 5 làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ và xây dựng một số tài liệu huấn luyện, truyền thông về ATVSLĐ trong các làng nghề.
Báo cáo điều tra, khảo sát thực trạng ATVSLĐ tại các làng nghề, ông Vũ Như Văn, Phó Chủ tịch Hội ATVSLĐ Việt Nam cho biết: Qua khảo sát tại các làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ cho thấy các làng nghề đã có cải thiện điều kiện làm việc (từ thủ công sang sử dụng máy, thiết bị); lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá cao.
Tuy nhiên, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về ATVSLĐ, thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Từ đó các chuyên gia đã rà soát, thu thập thông tin về các nguy cơ an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, xây dựng bộ tài liệu tập huấn ATVSLĐ trong làng nghề (gồm 06 tờ rơi và 01 tờ gấp), tập trung vào các mối nguy đặc thù với lao động trẻ (từ 15 - 24 tuổi).
Trong khi đó, theo Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Trong số 36 triệu lao động khu vực phi chính thức, có khoảng 10% lao động trẻ từ 18-24 tuổi làm việc tại khu vực làng nghề cần tập huấn về an toàn, môi trường lao động. Luật An toàn Vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là trọng tâm trong thời gian tới do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.
“Trước mắt, việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động; tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong 06 tháng đầu năm 2017 trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 311 vụ tai nạn lao động chết người, nhưng đến ngày 25 tháng 07 năm 2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới nhận được 62 biên bản điều tra (66 người chết).
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 6 tháng đầu năm 2017 trên toàn quốc đã xảy ra 4.388 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 4.461 người bị nạn trong đó số vụ TNLĐ chết người: 406 vụ; Số vụ TNLĐ có hai người bị nạn trở lên: 56 vụ; Số người chết: 418 người; Số người bị thương nặng: 843 người; Nạn nhân là lao động nữ: 1.350 người
Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong 06 tháng đầu năm 2017 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là TP.Hồ Chí Minh là 51 người, Bình Dương 23 người, Hà Nội 22 người, Thanh Hóa 18 người.
Trong khi đó, đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra về ATVSLĐ của Bộ Lao động-Thương binh, xã hội, trong 6 tháng năm 2017 đã có gần 8.300 doanh nghiệp được thanh, kiểm tra và hơn 9.000 cuộc tự kiểm tra tập trung chủ yếu vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.