Tái cơ cấu tập trung xử lý các vấn đề trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả
Tiến độ cổ phần hóa hiện nay đang chậm so với tiến độ. Theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, có 159 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị DN là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 28 DN thực hiện bán cổ phần lần đầu, với giá trị cổ phần bán ra là 13.950 tỷ đồng, thu về 21.827 tỷ đồng.
Theo Bộ tài chính, nguyên nhân lớn nhất của việc chậm CPH là xử lý đất đai. Vì vậy trong năm 2019, đây vẫn là vấn đề trọng tâm phải thực hiện.
Chính phủ sẽ phát huy hơn nữa vai trò của DNNN, tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động,. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về tài chính, tín dụng, thương mại, đầu tư, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên, lao động.
Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ cao, phát triển đa dạng dịch vụ tín dụng, ngân hàng.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý nghiêm những sai phạm.
Về cổ phần hóa, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật và yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chịu trách nhiệm nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn theo đề án được duyệt.
Chính phủ sẽ phát huy hơn nữa vai trò của DNNN, tập trung nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai, minh bạch; thúc đẩy xử lý dứt điểm theo cơ chế thị trường đối với các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, mất vốn, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Đối với lĩnh vực đầu tư công, sẽ quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan và người đứng đầu trong việc tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình, dự án trọng điểm; công khai kết quả thực hiện.
Dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư cũng được trình Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, khơi thông các nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KTXH.
Về nông nghiệp, sẽ làm tốt công tác phân tích, dự báo nhu cầu thị trường, giá cả, rà soát chiến lược, quy hoạch, điều chỉnh quy mô cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững và ổn định thu nhập cho người dân; phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát; có chính sách khuyến khích đầu tư, ưu đãi vốn tín dụng để phát triển các dự án chế biến nông sản quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tập trung chế biến sâu và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Về công nghiệp, sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các dự án sản xuất công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp.
Về dịch vụ, sẽ tập trung cơ cấu lại khu vực dịch vụ, hướng vào những ngành có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mạnh hạ tầng viễn thông, Internet băng thông rộng, sớm đưa vào hoạt động mạng di động 5G; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số Việt Nam…