Sương giá nghiêm trọng ở châu Âu khiến giá khí đốt tăng vọt
“Nhiệt độ trên khắp châu Âu có thể sẽ giảm mạnh trong tháng này sau một tháng 11 tương đối ấm áp. Đồng thời, nhu cầu đối với nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên tăng lên sẽ thử thách các mạng lưới năng lượng mong manh của khu vực”, Bloomberg viết.
Các nhà dự báo thời tiết dự đoán thời tiết lạnh hơn mức trung bình trên khắp châu Âu. Không khí lạnh sẽ thổi từ Bắc Cực vào ít nhất trong nửa đầu tháng.
Mùa thu ôn hòa hơn bình thường đã cho phép các cơ sở cung cấp nhiên liệu bổ sung lượng dự trữ nhiên liệu, nhưng với những đợt sương giá kéo dài đầu tiên dẫn đến áp lực lên các cơ sở lưu trữ khí đốt. Chi phí ước tính của các hợp đồng khí đốt ở châu Âu cao gấp 4 lần so với bình thường vào thời điểm này trong năm, khiến ngành công nghiệp và các hộ gia đình phải đối mặt với chi phí tăng vọt.
Trời lạnh không chỉ ở châu Âu, nhiệt độ thậm chí còn giảm xuống -47°C ở Mông Cổ. Việc thời tiết giá lạnh ở châu Á và châu Âu có thể làm tăng sự cạnh tranh đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng khi các quốc gia tìm cách thay thế một phần dòng khí đốt của Nga bằng LNG.
Giá LNG giao ngay tại Đông Bắc Á đã tăng hôm thứ Tư (30/11) khi một số khu vực của Trung Quốc trải qua thời tiết lạnh giá bất thường.
Theo ghi nhận, đợt lạnh giá mạnh ở châu Âu đã làm tăng đáng kể nhu cầu sử dụng điện. Theo nhà khí tượng học Olivia Birch, “sự gia tăng nhu cầu sưởi ấm có thể sẽ xảy ra xa hơn về phía bắc trên khắp Vương quốc Anh, Bắc Âu, Scandinavia và miền tây nước Nga”.
Chuyên gia nhấn mạnh rằng trong điều kiện thời tiết như vậy, người dân không cần phải dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo như gió và thủy điện.
Mùa thu ở châu Âu ấm áp trái mùa đã giúp giữ cho các cơ sở lưu trữ khí đốt hiện đang đầy khoảng 94% trên khắp châu Âu và gần 99% ở Đức.
Nhà dự báo thời tiết Đức Deutscher Wetterdienst dự đoán rằng nước này có thể phải đối mặt với sương giá nghiêm trọng sau một trong những mùa thu ấm nhất được ghi nhận, điều này làm dấy lên lo ngại về biến đổi khí hậu trên khắp lục địa.
Theo các nhà dự báo thời tiết của Anh, một mùa đông lạnh hơn bình thường được dự báo ở Vương quốc Anh với nhiệt độ thấp hơn theo mùa, mặc dù mưa lớn và gió mạnh ít có khả năng xảy ra hơn bình thường vào tháng 12.
Theo một số báo cáo, thậm chí có thể có tuyết rơi và nhiệt kế sẽ giảm 1-3 độ so với bình thường.
Jonathan Westby, phó chủ tịch cấp cao của LNG tại Jera Global Markets, nói với người mua và thương nhân tại Hội nghị thượng đỉnh LNG Thế giới ở Athens: “Thời tiết lạnh đang đến”.
“Mọi người bắt đầu liên tục lo lắng về những gì sẽ thực sự xảy ra”, Bloomberg kết luận.
Trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga trong năm nay, cấm nhập khẩu than và sẵn sàng cấm vận dầu mỏ. Nhưng LNG là một mặt hàng đang bùng nổ và không có khả năng sớm phải đối mặt với sự tẩy chay của EU.
Nhập khẩu LNG Nga của EU tăng khoảng 40% trong năm nay do các nước ráo riết thay thế khí đốt qua đường ống đang cạn kiệt. Chính những nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nặng nề để cắt đứt các nguồn tài chính tài trợ cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo Bloomberg, EU đã chi kỷ lục 12,5 tỉ euro (13 tỉ USD) mua LNG của Nga từ tháng 1 đến tháng 9, gấp 5 lần so với một năm trước đó.
Nhu cầu gia tăng từ các quốc gia như Pháp và Bỉ đã giúp Nga trở thành nhà cung cấp LNG số 2 cho tây bắc châu Âu trong năm nay, đứng sau Mỹ nhưng cao hơn Qatar.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2, khí đốt từ Nga là nguồn nhiên liệu lớn nhất của Châu Âu. Kể từ đó, với việc Điện Kremlin siết chặt nguồn cung, khu vực này buộc phải nhập thêm LNG từ Nga và khắp thế giới để duy trì hoạt động thắp sáng và lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông.
Trong số các quốc gia châu Âu, chỉ có Vương quốc Anh và các quốc gia vùng Baltic ngừng mua LNG của Nga.
Bình Minh (lược dịch)