Sửa đổi, hoàn thiện nhiều chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer
Ngày 12/10, Hội thảo rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế- xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã diễn ra tại TP Cần Thơ. Đây là hội thảo do Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức.
Góp ý sửa đổi các chính sách cho người Khmer
Hiện nay, đồng bào dân tộc Khmer có gần 1,3 triệu người đang sinh sống tại 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL. Trong đó, đồng bào sống tập trung tại 9 tỉnh, thành phố: Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ. Một bộ phận đồng bào Khmer sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Quang cảnh buổi Hội thảo rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế- xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh Báo Dân tộc |
Theo Báo cáo Dự thảo kết quả rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế- xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện có trên 174 văn bản chính sách do Trung ương ban hành, có triển khai trong vùng DTTS trên địa bàn; 14 văn bản trực tiếp đến công tác ở vùng đồng bào Khmer. Ngoài ra, các địa phương cũng đã ban hành trên 20 văn bản về công tác ở vùng đồng bào Khmer và chính sách liên quan đối với dân tộc Khmer trên các lĩnh vực.
Tại hội thảo này, các đại biểu đã phát biểu về những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào Khmer; những tồn tại, hạn chế xuất hiện trong quá trình triển khai thực tế của từng địa phương, từ đó đưa ra các giải pháp, hoàn chỉnh báo cáo, trình Chính phủ xem xét xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách phù hợp, hiệu quả hơn đối với đồng bào Khmer.
Đóng góp ý kiến, bà Huỳnh Thị Vân Hà, Hiệu trưởng Trường Dân tộc nội trú Vĩnh Long đề nghị đưa việc giảng dạy tiếng Khmer vào chương trình giảng dạy của các trường Phổ thông dân tộc nội trú, cấp bằng chứng chỉ và có điểm ưu tiên trong xét tuyển (tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học); Nâng mức học bổng cho HS – SV và nên thực hiện từ tháng 7 để các em có kinh phí trong trang trải đầu năm học.
Thượng tọa Lý Đức, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng thì đề nghị, cần bổ sung chính sách đặc thù đối với con em dân tộc Khmer sau khi ra trường, hoặc có chính sách xét tuyển khi các cơ quan có nhu cầu. Đây là thực tế đang diễn ra ở nhiều địa phương, khi con em sinh viên người Khmer sau khi tốt nghiệp ra trường, khó tìm được việc làm phù hợp với trình độ, ngành nghề mà các em đã được đào tạo. Nếu qua thi tuyển lại càng khó. Điều này dẫn tới hụt nguồn cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là người Khmer.
Những kinh nghiệm quý từ Cà Mau
Cà Mau có khoảng 44.500 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách giảm nghèo trong vùng đồng bào Khmer, giúp người dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Theo đó, Cà Mau đã triển khai 3 nhóm chính sách lớn cho đồng bào dân tộc Khmer. Đó là: nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất và sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer; nhóm chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer tiếp cận các dịch vụ xã hội và nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng.
Với nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất và sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Cà Mau đã triển khai, hỗ trợ đất sản xuất cho gần 500 hộ đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất. Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho trên 800 lao động. Chuyển đổi ngành nghề cho hơn 2.000 hộ nghèo theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hàng ngàn hộ nghèo dân tộc Khmer được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống. (Ảnh: Báo Dân tộc) |
Thực hiện theo Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở, đất ở cho người Khmer nghèo, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ nhà ở được cho 5.000 hộ nghèo. 400 hộ được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ đất ở cho khoảng 1.300 hộ theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Về nhóm chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer tiếp cận các dịch vụ xã hội, tỉnh Cà Mau đã cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt, điện thắp sáng, dầu hoả cho hàng ngàn hộ dân tộc Khmer nghèo.
Để giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, chính sách, cắt giảm một số chính sách chưa thật sự bức xúc, tăng cường nguồn đầu tư cho những chính sách cấp thiết như đất sản xuất, việc làm, nhà ở, cải thiện môi trường sống, nâng cao trình độ dân trí, ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào sản xuất…
Từ thực tiễn tỉnh Cà Mau đã đạt được, đây là điển hình cho việc giúp hoàn thiện những chính sách tốt đối với đồng bào dân tộc Khmer tại các tỉnh ĐBSCL.