Sự thật về phương pháp chụp CT 'quét' toàn thân sàng lọc ung thư
Hiện nay nhiều bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân quảng cáo chụp CT toàn thân có thể phát hiện sớm ung thư. Các chuyên gia ung bướu lại đưa ra lo ngại về phương pháp sàng lọc ung thư này.
Hại nhiều hơn lợi
Tại 1 bệnh viện tư ở Hà Nội, trên website quảng cáo chụp CT toàn thân là cách sàng lọc sớm ung thư với tỷ lệ phát hiện sớm nhiều bệnh.
Kỹ thuật này có thể phát hiện sớm các bệnh lý như ung thư, các khối u trong cơ thể như ung thư vú, ung thư phổi, tuyến giáp hoặc các bệnh về não,… mà không cần xâm lấn, không gây đau đớn.
Máy chụp CT scan sẽ “băm” nhỏ hình ảnh toàn bộ cơ thể người bệnh để kiểm tra với tần suất 256 dãy thậm chí 600 dãy để phát hiện được các bất thường của cơ thể qua màn hình máy tính.
Không chỉ sử dụng CT đa dãy mà chụp PET/CT bao gồm sử dụng máy móc hiện đại kết hợp tia X và tiêm chất phóng xạ để phát hiện những bất thường của cơ thể sớm đưa ra các quyết định sàng lọc ung thư.
Sau khi chụp CT hoặc PET/CT xong bác sĩ sẽ có hình ảnh thu được thông qua màn hình máy tính chuyên dụng. Thông qua hình ảnh được hiển thị để phát hiện và đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Ảnh có tính chất minh họa |
Nhiều người cứ nghĩ việc kiểm tra toàn thân sẽ giúp họ ăn ngon ngủ yên, một liều thuốc an thần. TS BS Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Thủ Đức, TP.HCM cho biết ông gặp rất nhiều người đến khoe rằng mỗi năm họ đều tranh thủ đi “quét” toàn bộ cơ thể 1 lần để xem có bị ung thư hay không. TS Vũ cho rằng quan điểm này hoàn toàn sai lầm.
TS Vũ cho biết giống như tất cả các xét nghiệm khác, CT scan cũng có nhiều điểm yếu, dương tính giả (không bệnh thành có bệnh), âm tính giả (có bệnh mà không phát hiện được).
Cùng quan điểm, bác sĩ Dương Tấn Khánh – giảng viên trường Đại học Y dược Huế, hiện đang học bác sĩ nội trú tại Texas, Hoa Kỳ cho biết quan điểm chụp CT scan sàng lọc ung thư hoàn toàn sai lầm.
Bác sĩ Khánh cho biết hiện nay người ta chỉ khuyến cáo sử dụng CT scan trong sàng lọc ung thư phổi ở những người có tiền sử hút thuốc, người trên 50 tuổi. Ngoài ra, CT scan không được dùng trong sàng lọc ung thư. Hiệu quả sàng lọc của nó thấp và còn có nguy cơ gây ra nhiễm bức xạ tia X – là yếu tố gây ung thư máu, ung thư tuyến giáp.
Bác sĩ Khánh cho biết trong môi trường tự nhiên vẫn có bức xạ nhưng ở mức độ nhỏ.
Nếu bạn chụp Xquang ngực sẽ bằng 2,4 ngày bức xạ nền (tương đương với nền bức xạ nền tự nhiên trên trái đất).
CT scan sọ não - mức độ nhiễm xạ khoảng 100 lần Xquang ngực tương đương 8 tháng phơi nhiễm bức xạ nền tự nhiên.
CT ổ bụng - tương đương với 400 lần Xquang ngực tương đương với 2,7 năm bức xạ nền.
CT mạch máu - bức xạ tương đương với 4 năm phơi nhiễm bức xạ nền tự nhiên.
Chính vì điều này, các hiệp hội y khoa chưa ủng hộ dùng CT scan toàn thân cho người bình thường khỏe mạnh. Tầm soát nên hướng vào nhóm đối tượng và vị trí cụ thể.
Những bệnh ung thư nào cần sàng lọc
Theo hướng dẫn của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, 5 bệnh ung thư phổ biến có thể sàng lọc:
Thứ nhất, ung thư vú, hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ trên 40 tuổi có sức khỏe tốt nên đi chụp X-quang tuyến vú (mammography) mỗi năm một lần. Phụ nữ từ 20 – 40 tuổi nên đi khám vú định kỳ 3 năm một lần tại cơ sở y tế chuyên khoa. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám vú định kỳ mỗi năm một lần tại cơ sở y tế chuyên khoa.
Bên cạnh đó phụ nữ có thể tự khám vú từ sau 20 tuổi.
Một số phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao hoặc tiền sử gia đình ung thư vú nên được sàng lọc sớm hơn.
Thứ hai, ung thư đại trực tràng sàng lọc bằng cách nội soi đại tràng sigma ống mềm mỗi 5 năm hoặc nội soi đại tràng mỗi 10 năm hoặc chụp đại tràng cản quang kép mỗi 5 năm hoặc chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo) mỗi 5 năm.
Xét nghiệm máu tiềm ẩn trong phân (Fecal Occult Blood Test - FOBT) hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân (Fecal Immunochemical Test) mỗi năm một lần hoặc xét nghiệm DNA trong phân (Stool DNA test).
Nếu một trong các xét nghiệm trên dương tính thì cần tiến hành nội soi đại tràng.
Một số người có tiền sử gia đình có nguy cơ cao bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng nên được sàng lọc thường xuyên hơn.
Thứ ba, ung thư cổ tử cung việc sàng lọc nên được bắt đầu ở phụ nữ ≥ 21 tuổi, không nên tiến hành ở phụ nữ < 21 tuổi. Phụ nữ từ 21 - 29 tuổi nên được tiến hành PAP test mỗi 3 năm. Xét nghiệm HPV không nên được tiến hành ở các phụ nữ ở nhóm tuổi này trừ khi có kết quả PAP test bất thường. Phụ nữ từ 30 - 65 tuổi nên được kiểm tra PAP test và xét nghiệm HPV mỗi 5 năm hoặc làm PAP test mỗi 3 năm.
Thứ tư, ung thư phổi những người có nguy cơ cao bị ung thư phổi: tuổi từ 55 – 74, có tiền sử hút thuốc mỗi năm trên 30 bao, đang hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc được< 15 năm.
Thứ năm, ung thư tiền liệt tuyến, nam giới sau 50 tuổi nên sàng lọc phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bao gồm định lượng PSA và thăm khám tiền liệt tuyến qua trực tràng.
Khánh Chi
BS Bệnh viện Việt Đức chia sẻ 11 thói quen đơn giản giúp trẻ lâu
Kéo dài tuổi thanh xuân, chống lại quá trình lão hoá luôn là ao ước của nhiều người. Thạc sĩ bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết nếu biết cách chăm sóc bản thân mọi người đều níu giữ được tuổi thanh xuân.