Sự thật bất ngờ về cơ hội việc làm khi học chuyên ngành Golf bị gán nhãn "quý tộc"
Chuyên ngành Golf thuộc ngành Giáo dục thể chất của một số trường đại học, hiện nay đây được xem là những ngành thể thao thời thượng có nhu cầu tuyển dụng cao.
Thạc sĩ Ngô Trí Dũng - Phó trưởng phòng Tuyển sinh-truyền thông, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho biết: “Những thí sinh thi vào ngành chuyên ngành Golf bắt buộc phải có chiều cao, sức khỏe, cân nặng phù hợp. Ngoài việc xét tuyển theo điểm số, một số trường tuyển sinh chuyên ngành Golf cũng sẽ tiến hành kiểm tra năng khiếu.
Đa số các trường đào tạo ngành Golf sẽ có sân Golf mô phỏng để tạo điều kiện cho thí sinh học, rèn luyện kỹ năng thực hành. Ra trường, sinh viên có thể làm huấn luyện viên, làm tại các nhà thi đấu…”
Hiện nay, Golf là môn thể thao thời thượng, ngành học Golf phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội.
Golf cũng là môn thể thao chú trọng đến hình thể và cơ bắp, huấn luyện thay đổi lối sống và hành vi không tích cực của đối tượng tập luyện, xây dựng chế độ dinh dưỡng cho đối tượng tập cụ thể, nắm bắt bệnh lý thường gặp và có phương pháp tập luyện cho từng đối tượng tập luyện.
Các trường đại học sẽ xây dựng giáo án huấn luyện và có kiến thức về phương pháp tập luyện liên quan đến tố chất vận động nhằm nâng cao các hoạt động vận động chuyên ngành.
Ảnh minh họa |
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Bắc -Trưởng khoa Khoa học thể thao, Đại học Tôn Đức Thắng thì sinh viên theo học ngành Golf sẽ được trang bị năng lực chuyên môn rộng và chuyên sâu trong ngành công nghiệp Golf. Điều đáng nói là tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành và đam mê rất cao.
Tốt nghiệp ngành Golf yêu cầu sinh viên đạt được các kiến thức chung về lý luận chính trị do Bộ GD&ĐT quy định, kỹ năng ngoại ngữ, tin học và kỹ năng sống.
Tùy thuộc chuyên ngành, sinh viên còn được trang bị kiến thức về quản lý kinh doanh trong lĩnh vực Golf. Sinh viên theo học ngành Golf sẽ được học một trong hai chuyên ngành là Quản trị kinh doanh Golf và Huấn luyện Golf.
Đối với chuyên ngành Quản trị kinh doanh Golf, sinh viên sẽ học về Kinh doanh Golf, Quản lí công trình sân Golf, Quản lí các sự kiện Golf, Thiết kế sân Golf, Xây dựng khóa học đánh Golf, Luật và các kĩ thuật chơi Golf…
Với chuyên ngành Huấn luyện Golf, sinh viên sẽ học về Luật và các kĩ thuật chơi Golf, Phương pháp huấn luyện Golf, Trở thành vận động viên Golf chuyên nghiệp, Huấn luyện tâm lí trong Golf, Sinh lí học vận động trong Golf, Phân tích hình ảnh kĩ thuật xoay người đánh bóng…
Về kỹ năng, tùy thuộc chuyên ngành, sinh viên được trang bị các kỹ năng về tổ chức các hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp Golf; tổ chức điều hành, quản trị cơ sở vật chất và trang thiết bị trong các sân tập golf; tổ chức giải đấu golf; Chơi tốt và có năng lực huấn luyện golf hoặc trở thành những vận động viên Golf chuyên nghiệp….
Cử nhân ngành Golf có thể tham gia các lĩnh vực như: Tổ chức sự kiện - giải đấu trong lĩnh vực Golf, Quản lí hệ thống sân tập Golf, Kinh doanh sản phẩm về Golf, Quản lí dịch vụ thể thao tại resort và khách sạn 5 sao có sân Golf…
Theo thống kê của ĐH Tôn Đức Thắng, tỉ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp của trường với chuyên ngành Golf này là 100%.
Phương án tuyển sinh cho ngành này tại ĐH Tôn Đức Thắng là xét tuyển theo kết quả quá trình học THPT, xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng. Đặc biệt, trường sẽ ưu tiên tuyển thẳng đối với các học sinh thuộc các trường năng khiếu thể dục thể thao ứng tuyển ngành Golf.
Có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là nghiễm nhiên giành “tấm vé” vào đại học?
“Việc học sinh có chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ có thể coi là một lợi thế chứ không phải cứ có chứng chỉ quốc tế rồi nộp vào là nghiễm nhiên trúng tuyển đại học”, Phó hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho biết.
Hoàng Thanh