Sputnik: Năm 2017 Việt Nam sẽ là đầu tàu của ASEAN
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, nhiều chuyên gia Nga dự đoán năm Đinh Dậu 2017 sẽ là một năm thành công đối với Việt Nam.
Cụ thể, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Nga-Việt Evgeny Glazunov cho hay: "Hiện nay, Việt Nam là tấm gương ví dụ cho các nước Đông Nam Á, và tôi tin rằng đất nước các bạn sẽ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu về phát triển kinh tế trong khối ASEAN và sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tổ chức này".
Sử gia và nhà báo Piotr Tsvestov tin tưởng rằng đối với nhân dân Việt Nam năm tới sẽ tốt hơn so với năm vừa qua.
Ảnh minh họa. |
Các mối quan hệ do Việt Nam xây dựng với thế giới bên ngoài là ổn định và đầy hứa hẹn, lãnh đạo đất nước đang thực hiện nhiều bước hiệu quả để giải quyết các vấn đề trong nước, nhưng khó khăn là rất ít so với các nước khác.
Trong khi đó, ông Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Nga tham gia chiến tranh ở Việt Nam cũng nhận định: "Những thành quả đã đạt được trong năm 2016 nên được kế thừa và tiếp tục vào năm 2017. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ thay đổi và nâng lên một tầm cao hơn nữa".
Hồi tháng 8/2016, bà Maria Stanislavovna Zelenkova, chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương, chính sách đối nội, đối ngoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Liên bang Nga đã đưa ra nhận định về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Zelenkova cho rằng, các chuyên gia đều nhất trí, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tích cực. Song nếu muốn cải thiện về chất thì Việt Nam nên chú trọng phát triển công nghệ mới và các ngành kinh tế mới, như ngành năng lượng nguyên tử.
Thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã thể hiện sự chuyển mình rất tốt, và đã vượt ra ngoài một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp như trước kia. Công nghiệp nhẹ và một bộ phận của nền công nghiệp nặng tại Việt Nam đã đạt đến trình độ cần thiết. Cụ thể như gần đây Việt Nam đã đóng được tàu biển cho Nga, con tàu đó sẽ được vận hành tại thành phố Arkhalgensk của Liên bang Nga.
Về phát triển năng lượng nguyên tử, bà Stanislavovna cho rằng Việt Nam có Nga - quốc gia nắm giữ công nghệ hàng đầu thế giới về lĩnh vực này, là đối tác. Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào sự hỗ trợ từ phía Nga, bao gồm đào tạo nhân sự.
Bà Stanislavovna bày tỏ tin tưởng rằng năng lượng nguyên tử sẽ trở thành một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Trong lĩnh vực đầu tư, bà Stanislavovna đánh giá Việt Nam hiện đang có sức hấp dẫn khá lớn đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài.
"Nền kinh tế Việt Nam không chỉ ở lực lượng lao động có tay nghề, mà còn ở chính sách hợp lý của nhà nước. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã soạn thảo và thông qua hàng loạt luật về đầu tư, bất động sản và kinh doanh. Nhà nước đã chứng tỏ được vai trò nhà điều phối của mình, và cho thấy các vấn đề kinh doanh được giải quyết ở cấp cao nhất.
Đó chính là sự đảm bảo cần thiết cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài muốn vào châu Á, và cụ thể là muốn vào Đông Nam Á. Chính nhờ chính sách của nhà nước mà Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất không chỉ ở Đông Nam Á, mà còn ở châu Á nói chung", bà phân tích.
Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) đã có hiệu lực, bà Zelenkova cũng đưa ra một số phân tích về điểm cộng và điểm trừ của hiệp định này với nền kinh tế Việt Nam.
Theo bà, hiệp định thương mại này mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Thứ nhất, về hàm lượng kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vượt trội so với đa số các nước thành viên khác trong EAEU. Điều đó cho phép Việt Nam tham gia hiệp định không phải như một thành viên thứ yếu, mà như một thành viên chủ chốt.
Thứ hai, nền kinh tế Việt Nam tương đương với gần một nửa giá trị nền kinh tế của toàn bộ EAEU, và điều này mang đến cho Việt Nam một ưu thế không thể bàn cãi. Thứ ba, trình độ phát triển hiện nay cho thấy Việt Nam có thể tham gia vào hiệp định không chỉ với tư cáh một đối tác thương mại, mà còn như một nhà đầu tư, thậm chí như một thủ lĩnh công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với nhiều nước khác.