Sôi nổi phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào Công giáo
![]() |
Người dân trồng hoa hai bên đường tạo cảnh quan và môi trường xanh-sạch-đẹp. |
Huyện Thống Nhất có dân số 164.809 người, trong đó đồng bào có đạo chiếm 87,23% dân số toàn huyện, với 4 tôn giáo: Công giáo, Phật giáo, Cao đài, Tin lành.
Trên địa bàn huyện có 31 nhà thờ Công giáo thuộc hai hạt Gia Kiệm (24 giáo xứ) và hạt An Bình (7 giáo xứ), 26 tu viện, cộng đồng dòng tu; 43 vị linh mục và 262 vị tu sỹ; đồng bào công giáo có 120.055 người, chiếm 72,48 dân số.
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, thực hiện lời răn của Giáo hội Công giáo “sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, thời gian qua, đồng bào Công giáo huyện Thống Nhất đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo; tích cực phát triển sản xuất kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa xã hội, góp phần hiện thực hóa các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng hành với chính quyền
Khi tiếp cận thông tin tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện từ huyện đến cơ sở, đồng bào công giáo huyện Thống Nhất luôn phát huy vai trò làm chủ thể của mình trong công tác xây dựng Nông thôn mới, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của tham gia xã hội hóa giao thông nông thôn.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, đồng bào công giáo toàn huyện Thống Nhất đã đóng góp 15,6 tỷ đồng, làm 65,105 km đường bê tông, cứng hóa 35,034 km đường nội đồng, xây 1,1125 km cống thoát nước.
Không chỉ đóng góp tiền của, phong trào hiến đất làm đường diễn ra sôi nổi trên địa bàn toàn huyện, trong đó có rất nhiều tấm gương người công giáo hiến đất để thực hiện các tuyến đường xã hội hóa. Điển hình như Ông Trần Văn Tự - Phó ban hành giáo Giáo xứ Mẫu Tâm, xã Gia Tân 3.
Cụ thể, khi có chủ trương thực hiện chương trình xã hội hóa giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", chính quyền địa phương đã đề đạt vấn đề bà con hiến đất và đóng 30% giá trị xây dựng công trình, ông Trần Văn Tự-Phó ban hành giáo Giáo xứ Mẫu Tâm tuyên truyền, vận động bà con đồng thuận hiến đất.
Nhờ sự khéo léo trong thuyết phục của ông Tự, bà con nơi đây đã tình nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ khoản bồi thường nào.
![]() |
Lãnh đạo huyện chụp hình lưu niệm với Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất. |
Theo ông Tự, vận động là "nói phải đi đôi với làm", khi bản thân tôi và những hộ gương mẫu hiến đất trước và bắt đầu làm đường, việc đi lại của bà con dễ dàng hơn thì người dân cứ thế làm theo và còn nhiệt tình góp công xây dựng.
"Điển hình như gia đình ông Trần Văn Bu, mặc dù kinh tế không khá giả gì, nhưng khi hiểu được lợi ích mà các tuyến đường liên thôn, liên xã mang lại, gia đình ông đã không ngần ngại hiến gần 1.000m2 với giá thị trường hiện nay khoảng 150 triệu đồng để làm con đường đi qua trước nhà mình", ông Tự nói.
Điểm sáng trong vận động, tham gia bảo hiểm y tế xã hội
Không chỉ đi đầu trong phong trào làm đường xây dựng nông thôn mới, khi chủ trương Bảo hiểm y tế toàn dân được triển khai, thấy đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa to lớn trong đời sống cộng đồng.
Đồng thời, đây cũng là một trong những chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất. Do vậy, cộng đồng giáo dân huyện Thống Nhất đã vận động nhau tham gia trước là để bảo hiểm cho bản thân, sau là vì phong trào.
Với đặc thù huyện Thống Nhất có đông đồng bào theo đạo, nhất là đạo công giáo nên cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban hành giáo các giáo xứ, các chức sắc tôn giáo để tuyên truyền cho bà con giáo dân tham gia tích cực tham gia.
Tại các buổi lễ, các Linh mục đã tuyên truyền cho bà con giáo dân về ý nghĩa thiết thực của việc tham gia bảo hiểm y tế, do đó nhiều giáo dân đã tự nguyện hưởng ứng.
![]() |
Ông Huỳnh Thành Vinh và bà Bùi Thị Bích Thủy trao bằng công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và bảng thưởng công trình cho đại diện Đảng bộ và Chính quyền xã Quang Trung |
Theo ông Võ Triều Dương-Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Thống Nhất, tính đến ngày 21/6/2019, toàn huyện có 134.542/165.639 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 81.15% dân số toàn huyện - một con số khá cao so với các địa phương.
Linh mục Lê Vinh Hiến-Trưởng Ban đoàn kết công giáo huyện Thống Nhất chia sẻ: "Thực hành lời dạy “Thầy ban cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương các con” (Ga 13,34), trong những năm qua đồng bào công giáo huyện tích cực tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.
Không những vậy, đồng bào cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, bác ái tại các giáo xứ để góp phần hỗ trợ kinh phí, khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn bất kể họ là tín đồ Công giáo hay không phải là Tín đồ Công giáo”.
Được biết trong giai đoạn 2015-2019, các giáo xứ trên địa bàn huyện Thống Nhất đã đóng góp 2,93 tỷ đồng cho công tác chăm sóc bệnh nhân, tổ chức khám bệnh và mua thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo. Vận động quyên góp được 5,59 tỷ đồng cho các hoạt động giảm nghèo, 12,3 tỷ đồng cho công tác bác ái, từ thiện, xây dựng nhà tình thương, chăm sóc người già, neo đơn.
Với sự chung sức đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong huyện, đặc biệt là phát huy vai trò của đồng bào Công giáo, huyện Thống Nhất đã thực sự có bước chuyển mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những kết quả đạt được từ phong trào “Người Công giáo chung tay xây dựng nông thôn mới” của đồng bào Công giáo Thống Nhất đã góp phần tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Thống Nhất đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2015, trong đó có 5/10 xã, thị trấn đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Tại hội nghị biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo giai đoạn 2015- 2020 mới đây, đã có 10 tập thể và 15 cá nhân tiêu biểu được UBND huyện Thống Nhất biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích tốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới.