Sóc Trăng tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM
Tại buổi tổng kết, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 5 năm qua, Sóc Trăng đã huy động từ nhiều nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, vốn huy động trong dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng và ngân sách nhà nước hỗ trợ được tổng cộng trên 6.760 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Từ các nguồn vốn, Ban Chỉ đạo đã phân bổ xây dựng được hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, cầu, đường nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, đảm bảo vệ sinh, môi trường… đáp ứng các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, đến nay toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 19 xã trong tổng số 80 xã nông thôn của tỉnh đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, bằng 23,75% tổng số xã nông thôn của tỉnh và cao hơn so với QĐ 800 của Thủ tướng Chính phủ (phấn đấu đạt 20%).
Theo đánh giá của các địa phương, đến hết năm 2015, tỉnh dự kiến sẽ có 22 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 13 tiêu chí trở lên. Từ phong trào xây dựng nông thôn mới mà bộ mặt nông thôn Sóc Trăng, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer, vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã thay đổi nhanh chóng, đời sống, kinh tế người dân phát triển, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm nhanh còn dưới 9%, văn hóa tinh thần cũng được cải thiện đáng kể.
Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng phấn đấu huy động 23.450 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, tín dụng, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp để xây dựng nông thôn mới, phấn đấu có trên 50% số xã nông thôn đạt xã nông thôn mới, có 2 huyện hoàn thành được công nhận huyện nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo cũng đã đề ra 10 giải pháp để thực hiện chương trình đạt hiệu quả, trong đó có giải pháp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân; tái cơ cấu, xây dựng nông nghiệp phát triển công nghệ cao; khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại trên địa bàn nông thôn; nâng cao năng lực bộ máy, đổi mới công tác đào tạo cán bộ, đa dạng hóa nguồn vốn huy động.