Sợ kinh tế đêm vì... loa kẹo kéo?
Thực ra người dân không ngại tiếng ồn trong các cửa hàng mà sợ sự ồn ào di động của loại loa kẹo kéo mở hết công suất...
Các sản phẩm du lịch theo chủ trương phát triển kinh tế đêm có gì đặc sắc hơn ngày? Hay vẫn chỉ là karaoke dạo, quán bar, cửa hàng mở thâu đêm?
Nửa đêm sao gọi là đêm?
Trừ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh thành trong cả nước đều bị khách du lịch phàn nàn vì “đi ngủ sớm”.
Thời gian ban đêm bằng thời gian ban ngày, vì thế, phát triển kinh tế đêm được đánh giá là vô cùng có tiềm năng. Nhưng vì sao các hình thức tiền thân của nó như chợ đêm, phố đêm, phố ẩm thực đêm... được các nơi tổ chức không có mấy sức sống?
Trước hết, phải nói rằng, đêm là 12 tiếng chứ không phải đêm 6 tiếng, chỉ từ 18h cho đến 24h.
Sau một ngày dân bản địa đi làm, khách du lịch đi thăm thú, họ trở về ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, trò chuyện rồi mới ra khỏi nhà. Mới đi ra mà đã căn giờ về thì chẳng mấy ai thoải mái.
Nhưng lâu nay và cả trong các đề án bây giờ, hầu hết đều hạn định thời gian đến 24h, thậm chí chỉ đến 22h, như vậy không phải kinh tế đêm mà là kinh tế... “nửa đêm”.
Sợ nhất là tra tấn bằng loa kẹo kéo
“Phát triển kinh tế ban đêm phải được xem như một khái niệm mới - đó là một nền kinh tế. Mà một nền kinh tế thì phải có cấu trúc, một luật lệ, cơ chế, hạ tầng, một phương thức tiếp cận cũng như chiến lược phát triển phải hoàn toàn mới...”.
Đó là đúc kết tại tọa đàm “kích cầu du lịch Đà Nẵng - vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí về đêm vừa được tổ chức hồi tháng 7 vừa qua.
Nhưng đúc kết thế cũng không dễ mà làm được. Hãy nhìn ngay vào Đề án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang chờ TP phê duyệt để triển khai theo từng giai đoạn.
Thực ra, đọc kỹ đề án thì thấy đa phần vẫn là những hoạt động đã hình thành ở quận này từ nhiều năm, diễn ra từ 18 - 22 giờ thì gọi là “kinh tế đêm” mà thôi.
Chưa thấy được những đề xuất, kế hoạch gì đặc sắc, đặc biệt để phát triển một ngành du lịch hấp dẫn. Mà ngay cả việc cho hàng quán, quán bar, vũ trường mở muộn cũng chưa thấy sự sắp xếp tính toán sao cho không ảnh hưởng đến người dân.
Quận Hoàn Kiếm đề xuất giai đoạn hai sẽ mở rộng ra các phố trong toàn quận, nhưng để làm được thì cần sự đồng thuận của cư dân trong khu vực.
Như ta đã biết, các đường phố là nhà ở hoặc là nhà ở kiêm cửa hàng kinh doanh, nói chung là có người sinh sống. Vậy thì, người dân có chấp nhận việc suốt ngày suốt đêm ồn ào?
Bình thường đã ồn, nay kinh tế đêm, các đường phố có thêm các nhóm nhạc, rồi karaoke di động (thường gọi là karaoke kẹo kéo), ăn nhậu, hò hét náo loạn cả vỉa hè… Sáng sớm “Đắp mộ một cuộc tình”, tới khuya lại “Đắp mộ cuộc tình” làm sao chịu thấu?
Thực ra người dân không ngại tiếng ồn trong các cửa hàng (cần quy định có cách âm) mà sợ sự ồn ào di động của loại loa mở hết công suất này. Chuyện tưởng nhỏ nhưng phải tính và có quy định rõ ràng, thực hiện quyết liệt. Nếu không Hà Nội sẽ là một trung tâm ô nhiễm tiếng ồn khủng khiếp.
Vấn đề đặt ra ở đây là, phải lựa chọn những khu phố, đường phố có đủ tiêu chí để làm kinh tế đêm. Phải có sự khu biệt tương đối với khu dân cư đông người sinh sống. Những gia đình trong phạm vi đó chấp thuận kinh doanh hoặc cho thuê kinh danh 24/7 và họ tìm nơi ở mới. Nếu không thì sẽ sinh chuyện.
Điều căn bản nhất trong kinh tế đêm là thói quen. Tạo được thói quen sinh hoạt về đêm, coi đêm như ngày và người dân đồng thuận chấp nhận mọi sự khác biệt đặc thù để kinh doanh một ngành du lịch mới, đó mới là việc khó.
Hy vọng kinh tế đêm mà các địa phương đang xây dựng không phải chỉ là... đi nhậu và hát karaoke vỉa hè vào ban đêm.
Theo baogiaothong.vn