Sở hữu tên lửa ATACMS của Mỹ, vì sao Ukraine vẫn lo sợ trực thăng Ka-52 Nga?
Trong cuộc tấn công đầu tiên vào ngày 17/10 sử dụng Hệ thống Tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) MGM-140 do Mỹ cung cấp, Kiev tuyên bố đã loại bỏ 14 trực thăng bao gồm một vài chiếc Ka-52 tại 2 căn cứ không quân ở Ukraine mà Nga đang nắm quyền kiểm soát.
Ukraine đã sử dụng phiên bản M39 của ATACMS mang theo bom chùm có tầm bắn 165km để tấn công 2 căn cứ Nga. Theo các chuyên gia, phiên bản M39 đạt hiệu quả chống lại các mục tiêu phân tán và không được bảo vệ như trực thăng đang đỗ.
Sau cuộc tấn công, giới chuyên gia và tình báo phương Tây nhận định việc Ukraine nắm trong tay tên lửa ATACMS sẽ buộc Nga phải rút các căn cứ đang vận hành, và những phương tiện quân sự dễ bị tổn thương khỏi tiền tuyến để bảo vệ tốt hơn cho dàn trực thăng trước các cuộc tấn công trong tương lai của Ukraine.
Theo tờ Business Insider, hình ảnh vệ tinh được một sĩ quan dự bị kiêm blogger người Ukraine có tên "Tatarigami UA" thu thập và phân tích lại cho thấy, dường như Nga vẫn duy trì một phi đội gồm hàng chục trực thăng Ka-52. Trong loạt bài đăng hôm 17/11 trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Tatarigami UA đã liệt kê các căn cứ được Nga sử dụng cho hoạt động của trực thăng Ka-52.
"Cả trực thăng Ka-52 và Mi-28 hiện vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với các lực lượng Ukraine trên tiền tuyến", Tatarigami UA cho biết.
Cũng theo Tatarigami UA, việc các trực thăng Nga sử dụng tên lửa không đối đất và tên lửa chống tăng sẽ mở rộng phạm vi hoạt động vượt ngoài tầm bắn của các hệ thống phòng không tầm ngắn Ukraine.
Ông Rob Lee, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, đồng tình với quan điểm trên. Ông nhấn mạnh Ka-52 đang được Nga sử dụng rộng rãi, và “chúng vẫn là vấn đề nghiêm trọng” với quân đội Ukraine.
Trực thăng Ka-52 của Nga trở thành "cơn đau đầu" đối với Ukraine trong quá trình thực hiện cuộc phản công từ đầu tháng 6. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã tăng cường sử dụng các trực thăng tấn công, và chúng trở thành một trong những vũ khí có ảnh hưởng lớn nhất ở vùng xung đột.