Sở GTVT Hà Nội đề xuất bổ sung điểm dừng xe bus: Chuyên gia, người dân ủng hộ
Đề án được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, bảo đảm năng lực tổ chức kết nối với đường sắt đô thị để thu hút người dân dùng vận tải công cộng.
Theo số liệu Sở Giao thông Vận tải đưa ra, hiện nay, trong các điểm dừng và nhà chờ xe bus tại Hà Nội chỉ có khoảng 11% điểm dừng có nhà chờ. Với điều kiện giao thông ở Hà Nội và thời tiết thất thường, sự thiếu hụt các điểm dừng có nhà chờ cho hành khách là một sự bất tiện rất lớn.
Chia sẻ với PV Infonet, bà Nguyễn Thị Hương Sơn (65 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) mong muốn sớm hoàn thành điểm dừng có nhà chờ cho người dân.
“Muốn chờ xe bus phải có chỗ ngồi, có mái che mưa, nắng. Bởi, hiện nay mưa nắng thất thường, hơn nữa những người đi xe bus hiện nay chủ yếu là người già và học sinh, nên tôi hy vọng sớm hoàn thành điểm dừng có nhà chờ cho người dân”, và Sơn chia sẻ.
Nguyễn Thị Kim Oanh (Đống Đa) cho hay: “Hiện nay các điểm dừng xe bus tôi thấy còn khá xa, chưa thuận tiện lắm trong việc đi lại của người dân, nếu tăng được điểm chờ xe bus, thì đó cũng là việc nên làm, giúp người dân có thêm điểm xuống, không phải đi bộ dài”.
Một vấn đề nổi cộm hiện nay, theo quy định, điểm dừng xe buýt tại nơi có vỉa hè rộng từ 5m trở lên phải lắp đặt nhà chờ. Song thực tế, số đường phố có vỉa hè rộng đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc phát triển thêm số lượng nhà chờ.
Về vấn đề này, chia sẻ với PV Infonet, ông Bùi Danh Liêm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết: “Các vỉa hè để đặt các điểm dừng xe bus chưa phù hợp, có những nơi vỉa hè cao, có nơi vỉa hè thấp. Khi lên xuống, người dân rất khó, đối với tôi là chưa an toàn. Các cơ quan quản lý của sở Giao thông cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ, nâng cấp các điểm dừng xe bus của Thủ đô, để kích thích người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn”.
Còn đối với ông Trần Huy Ánh – Chuyên gia nghiêm cứu đô thị, cho rằng, việc tăng cường các nhà chờ xe bus được đảm bảo an ninh, an toàn và kết nối được với các khu dân cư trường học, bệnh viện…giúp người dân đi lại thuận tiện hơn.
“Để làm được, tôi nghĩ cần phải vào cuộc đồng bộ từ các sở ngành như: Sở giao thông vận tải, sở quy hoạch kiếm trúc, đến các chính quyền địa phương, đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch TP. Hà Nội, thì xe bus với có sự khởi sắc một cách đúng nghĩa”, ông Trần Huy Ánh cho hay.
Với việc tăng hàng nghìn điểm dừng xe buýt, thành phố Hà Nội kỳ vọng rút ngắn thời gian đi bộ của người dân khi tiếp cận các nhà chờ xe bus. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2022 - 2025 lên tới hơn 357 tỷ đồng, trong đó có hơn 309 tỷ đồng nguồn xã hội hóa. Việc đa dạng hình thức đầu tư tham gia là một tín hiệu tốt, nhưng công tác duy tu bảo trì các điểm chờ xe buýt cũng cần được đảm bảo.
Theo quy định, điểm dừng xe buýt được quy định là khu vực xe buýt dừng đón, trả khách được báo hiệu bằng biển báo và vạch sơn kẻ đường theo quy định; điểm dừng xe buýt ở trong khu đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 5 mét trở lên và ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 2,5 mét trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt.
Song trên thực tế hầu hết các điểm dừng chờ xe buýt tại Hà Nội hiện nay đều rất sơ sài, nhiều nơi chỉ đặt duy nhất một cột biển báo xe buýt, không có ghế ngồi, mái che mưa nắng.
Bảo Khánh