Sở Giáo dục HN: “Giám sát để khu đô thị mới phải xây trường công lập”
Sở Giáo dục HN: “Giám sát để khu đô thị mới phải xây trường công lập”
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định cần có chế độ khuyến khích phát triển, đồng thời phải giám sát chặt chẽ để các khu đô thị mới (KĐT) xây dựng trường công lập.
-Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Hà Nội có nên thực hiện các giải pháp mạnh để siết lại hệ thống các trường học trên địa bàn?
Chúng tôi hi vọng sau khi có bản quy hoạch, UBND TP cùng các sở ban ngành sẽ tập trung thực hiện các giải pháp để giải quyết vấn đề này. Bây giờ chúng ta phải chờ quy hoạch thì mới bàn đến các giải pháp. Nhưng có thể nói đây là quyết tâm chính trị và sự đồng lòng nhất trí của người dân.
-Vấn đề đang được quan tâm hiện nay tại các KĐT là việc thiếu trường công lập. Việc đầu tư xây dựng có nhưng rất chậm. Phía Sở có chỉ đạo gì về vấn đề này, thưa ông?
Theo quy hoạch mỗi KĐT mới phải có một trường công lập. Nhưng thực tế lại không đạt yêu cầu và việc triển khai rất chậm.
Vấn đề này tôi cho rằng, UBND, HĐND TP phải vào cuộc, giám sát hoạt động của các khu đô thị. Nếu có sự giám sát và chỉ đạo quyết liệt thì tỷ lệ các trường công lập trong khu đô thị mới sẽ sớm được cải thiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ. Ảnh LD |
Trước đây chúng ta cũng đã quy định mỗi một phường phải có ít nhất một trường công lập. Vì thế mới phải phân ra địa giới hành chính và qua địa giới hành chính có thể xác định được. Còn với khu đô thị là liên phường nên khó xác định.
Chúng tôi thấy các cháu học sinh đang sinh sống tại những KĐT mới, khu tái định cư vẫn có chỗ học chứ không phải không. Nhưng quả thực các KĐT này vẫn thiếu hệ thống trường công lập.
-Thống kê cho thấy ở ngoại thành tỷ lệ trường công lập rất cao, trong khi đó nội thành lại rất thấp. Tại sao lại có hiện tượng này?
Nghị định 05 ban hành năm 2005 quy định tỷ lệ: 70% học sinh học ngoài công lập, 30% còn lại được học công lập. Đối với hệ nhà trẻ phấn đấu 80% học ngoài công lập, 20% học công lập.
Tại cuộc họp giao ban giám đốc các Sở GD&ĐT trong cả nước, tôi đã đề xuất với Thủ tướng cho phép điều chỉnh nghị định 05 để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Số trường công lập dù đã cao hơn so với yêu cầu của Chính phủ nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đề ra của nhân dân. Mặt khác việc phân bổ trường công lập – dân lập ở ngoại thành và nội thành lại không đồng đều.
Đối với vùng ngoại thành, nhất là vùng nông thôn, miền núi điều kiện khó khăn hơn, vì thế phải có trường công lập mới khuyến khích con em người dân học hành. Hiện nay đã có khoảng 85% học sinh ngoại thành học công lập. Trong khi đó phần lớn học sinh nội thành lại đang phải học ngoài công lập.
-Sở GD&ĐT Hà Nội có kế hoạch gì để phát triển hệ thống trường công lập trong nội thành, đáp ứng nhu cầu thiết thức của người dân?
Chúng tôi đang khuyến khích xây dựng trường mầm non trong nội thành để tạo cơ hội cho các cháu được hưởng chính sách tốt hơn.
Tôi khẳng định trong nội thành vẫn đảm bảo nhu cầu cho học sinh THPT và THCS, vì đây là đối tượng phổ cập của nhà nước. Tất cả các cháu trong độ tuổi ấy đều được học trong trường công lập. Các cháu bước sang tuổi thứ 5 cũng sẽ được học ở trường công lập (trừ khi phụ huynh có nguyện vọng cho con học trường tư thục). Còn các cháu từ 4 tuổi trở xuống thì phải có lộ trình từng bước, không phải trong một lúc có ngay các trường công lập để cho các cháu học.
Nguyễn Dũng (ghi)