Số ca nhiễm ‘vi khuẩn ăn thịt người’ và tử vong tăng nhanh ở Mỹ
Sau khi Ian, một trong những cơn bão khủng khiếp nhất đổ bộ vào nước Mỹ trong những năm gần đây tấn công bang Florida, số ca nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" đã tăng nhanh và nhiều trường hợp đã tử vong.
Business Insider dẫn thông báo chính thức của bang Florida cho hay trong năm nay, quận Lee xác nhận có 29 ca nhiễm vi khuẩn mang tên vibrio vulnificus hay còn gọi là “vi khẩu ăn thịt người”, và 4 người đã tử vong. Trong khi đó, cả năm 2021 chỉ ghi nhận 5 trường hợp nhiễm bệnh và 1 ca tử vong. Quận Lee không có trường hợp nào nhiễm bệnh vào năm 2020.
Tính trên toàn bang Florida đã có 65 ca nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” trong năm nay, tăng so với con số 34 vụ vào năm 2021 và 36 ca trong năm 2020.
“Tình trạng nước lũ và ngập lụt sau khi bão Ian đổ bộ đang tạo ra thêm nhiều nguy cơ bao gồm sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm như vibrio vulnificus”, Cơ quan Y tế quận Lee thông báo hôm 3/10.
“Sự cố tràn nước thải như do hậu quả của bão Ian có thể làm gia tăng mật độ vi khuẩn. Những người có vết thương hở, vết trầy xước có thể bị nhiễm khuẩn vibrio vulnificus do tiếp xúc trực tiếp với nước biển hoặc nước lợ", thông báo của Cơ quan Y tế quận Lee nhấn mạnh.
Thông thường vi khẩn vibrio vulnificus được tìm thấy trong nguồn nước lợ ấm. Chúng đi vào cơ thể con người trong quá trình ăn hàu và nghêu sò ốc hến còn sống hoặc chưa được nấu chín, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC). Nếu vết thương hở trên da tiếp xúc với nước biển ấm, vi khuẩn vibrio vulnificus cũng có thể đi vào cơ thể.
Cơ quan Y tế quận Lee nhấn mạnh thêm những người có hệ miễn dịch yếu đặc biệt gặp nguy hiểm khi không may nhiễm phải “vi khuẩn ăn thịt người”, dù thực tế ai cũng có khả năng nhiễm khuẩn. Nếu vi khuẩn vibrio vulnificus đi vào đường máu, nó có thể gây ra những triệu chứng bệnh nặng như sốt, ớn lạnh, sốc nhiễm khuẩn và bọt khí da.
Được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”, bởi vi khuẩn vibrio vulnificus xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương hở, từ đó gây viêm mô hoại tử. Việc điều trị bằng thuốc kháng sinh cũng vô cùng phức tạp do các mô chết cung cấp máu kém. Trên thực tế, theo CDC, vibrio vulnificus hiện không phải là vi khuẩn duy nhất có thể gây ra biểu hiện bệnh như trên.
Ngoài Mỹ, Hàn Quốc từng ghi nhận một người đàn ông (71 tuổi) phải cắt cẳng tay trái do nhiễm khuẩn vibrio vulnificus vì ăn hải sản. Ông này còn mắc tiểu đường tuýp 2 và huyết áp cao.
Tuy nhiên, vibrio vulnificus không thể lây lan từ người sang người. Để tránh bị nhiễm khuẩn, người dân cần tránh xa khu vực ngập nước, hoặc nước tù đọng nếu như cơ thể có vết thương hở, trầy xước, theo khuyến cáo của Cơ quan Y tế quận Lee.
Nếu những người có vết thương hở trên da không may tiếp xúc với nước ngập nên rửa sạch vết thương với xà phòng và nước sạch sau đó quấn băng gạc.
Những dấu hiệu cho thấy một người đã bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” gồm vết thương sưng đỏ, rỉ nước kèm theo sốt, đau nhiều, khó thở, tim đập nhanh hoặc mất phương hướng.
Minh Thu (lược dịch)