Sinh viên kinh doanh online với cạm bẫy, lừa đảo bủa vây: Lời khuyên đáng nhớ của thầy trưởng khoa
Giờ đây, sinh viên kinh doanh online khá phổ biến, công việc đem lại thu nhập và những trải nghiệm thiết thực nhưng cũng ẩn chứa nhiều khó khăn, cạm bẫy với các bạn trẻ
Cần lấy được niềm tin từ khách hàng
Việc kinh doanh online đang thu hút sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những sinh viên cần công việc làm thêm, bởi đây là công việc đang phát triển trong thời đại hiện nay. Đa số bạn trẻ chỉ cần biết sử dụng một số thiết bị công nghệ, am hiểu về mạng xã hội... là việc kinh doanh online có thể thực hiện được thông qua lập page bán hàng hoặc đăng bán hàng ngay trên trang cá nhân sở hữu số lượng bạn bè lớn.
Tuy nhiên, việc nhiều người đổ xô vào bán hàng online cũng khiến công việc này gặp không ít khó khăn nhất là những bạn sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.
Bạn Đinh Đăng Dương (sinh viên năm 2, trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường) lựa chọn kinh doanh online để kiếm thêm thu nhập, lấy đó làm chi phí nuôi sống bản thân, đỡ đần bố mẹ khi đi học trên thành phố.
Mặt hàng Đăng Dương lựa chọn là quần áo, giày dép vì cậu tìm được nguồn hàng đầy đủ, giá phù hợp với học sinh, sinh viên – nhóm đối tượng mà cậu muốn hướng đến.
Nhiều bạn trẻ đang kiếm tiền từ việc kinh doanh online (ảnh minh hoạ: internet) |
Theo chia sẻ của Đăng Dương, đối với những sinh viên kinh doanh online như cậu, bán quần áo là hình thức vừa tiện lợi, vừa thu vốn và có lãi nhanh. Hơn nữa, việc đăng bài, khách hỏi mua và giao hàng đáp ứng được yếu tố nhanh gọn, tiết kiệm thời gian cho bản thân để không ảnh hưởng nhiều đến việc học trên lớp.
Kinh doanh gần một năm, việc bán được hàng giúp cậu có nguồn thu nhập tương đối ổn định dù vẫn đi học.
Nói về những khó khăn mà người trẻ vấp phải khi lựa chọn kinh doanh online, Đăng Dương cho biết nguồn vốn và nguồn hàng là những yếu tố quan trọng để theo đuổi công việc này.
“Nguồn vốn, nguồn hàng cùng với giá cả phải vừa đảm bảo chất lượng, nếu không sẽ rất khó để giữ khách. Sinh viên như em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh online nên đây cũng là sự lựa chọn khá mạo hiểm. Những khó khăn về việc định hướng cách thức bán hàng hoặc phải quảng cáo mặt hàng kinh doanh ở đâu, như thế nào cũng là vấn đề em gặp phải”, Đăng Dương cho biết.
Để vượt qua những khó khăn khi “chập chững” kinh doanh online, Đăng Dương luôn tin vào sự cố gắng của bản thân. Cậu cho rằng, đó là sự khởi đầu cho con đường kinh doanh mà bản thân muốn gắn bó sau này. Sau những thất bại ban đầu, cậu luôn tìm những hướng đi, đối tượng, cách thức bán hàng mới,… để điều chỉnh và cải thiện hơn.
“Một tháng gần đây, mình đã chuyển hướng kinh doanh sang đối tượng là những người trẻ thay vì tất cả mọi người như trước đó. Mình cũng điều chỉnh mức giá phù hợp hơn cho các bạn trẻ mình muốn hướng đến. Giá cả vừa phải, đi kèm với chất lượng giúp cho việc kinh doanh online thuận lợi hơn”, Đăng Dương cho biết.
Lấy vấp ngã làm bài học kinh nghiệm
Cũng như Đăng Dương, bạn Hoàng Thị Diệp (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cũng lựa chọn kinh doanh online để làm thêm mỗi khi có thời gian rảnh.
Hoàng Diệp kinh doanh online từ khi học cấp 3 |
Cô nàng sở hữu lượng bạn bè lớn trên facebook nên việc bán hàng cũng gặp thuận lợi. |
Diệp đến với kinh doanh online được khoảng 5 năm nay, từ khi cô đang học cấp 3. Thời gian đầu, bố mẹ muốn cô tập trung vào việc học nên không đồng ý cho cô làm việc này bởi cho rằng kinh doanh online đồng nghĩa với việc phải sử dụng điện thoại thường xuyên, lãng quên việc học.
Một thời gian sau, thấy con bán hàng online nhưng vẫn có kết quả học tập ổn định, bố mẹ cô mới “xiêu lòng” để con tiếp tục kinh doanh khi đang đi học.
Nói về kỷ niệm đáng nhớ khi gắn bó với công việc kinh doanh online, Diệp cho hay bản thân cũng gặp nhiều khó khăn trong việc buôn bán vì chưa có nhiều kinh nghiệm.
Năm 2016, Diệp bị lừa mất số tiền khá lớn khi chuyển khoản đến nơi cung cấp nguồn hàng.
“Lúc đó em cũng khá chủ quan, mọi giao dịch đều qua điện thoại nên không có giấy tờ chứng minh gì. Em chuyển khoản qua cho họ xong thì không nhận được liên hệ gì với bên cung cấp hàng nữa. Họ khoá facebook, chặn hết mọi thứ để em không liên lạc được. Đó cũng là bài học cho em để cẩn thận hơn với mọi giao dịch qua online”, Diệp nói.
Hiện tại, công việc bán quần áo online mang lại nguồn thu nhập ổn định để Diệp trang trải việc học. Cô cho rằng, để gắn bó lâu dài với công việc này, bản thân phải thực sự chăm chỉ, lạc quan với những thất bại, có nguồn hàng tin cậy và lấy được niềm tin từ khách hàng.
Trong thời gian tới, Diệp dự định mở thêm nhiều page bán hàng nữa để công việc kinh doanh phát triển hơn. Song song với đó, cô cũng tập trung dành thời gian cho việc học để có được tấm bằng cử nhân báo chí mà cô mong ước.
Bất kỳ một ngành nghề nào cũng gặp những khó khăn nhất định, với người trẻ khi tiếp cận với nghề kinh doanh online luôn phải có sự sáng tạo, khác biệt để thu hút khách hàng. Những thất bại gặp phải khi “chạm ngõ” kinh doanh online là bài học kinh nghiệm để phát triển sau này.
Cần kiến thức và nỗ lực theo mô hình chữ T
Theo PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), kiếm tiền bằng việc kinh doanh, bán hàng online hiện nay đang là lựa chọn của không ít các bạn sinh viên để trang trải học phí và sinh hoạt, thậm chí muốn có hỗ trợ cho gia đình. Kinh doanh online cũng rất dễ để triển khai vì không cần vốn và đầu tư ban đầu nhiều, không cần hệ thống nhà kho lưu trữ.
Việc quay vòng vốn nhanh, không bị nợ đọng tiền hàng vì giao dịch chuyển tiền, chuyển hàng. Việc bán hàng online rất linh hoạt, phù hợp với sinh viên khi phải duy trì thời gian học.
Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gat gắt, sonh viên bán hàng online ngày càng bận bịu hơn với các công việc quản lý từ việc livestream bán hàng, chốt đơn hàng, giao hàng, xử lý các rắc rối dẫn đến không thể cân đối thời gian cho việc học tập.
“Bán hàng online, mối quan hệ giữa người bán và người mua rất lỏng lẻo, có thể gặp nhiều rắc rối với khách hàng. Nếu không xử lý thỏa đáng sẽ có thể bị tấn công và bôi nhọ trên mạng bởi khách hàng”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo PGS. TS Trần Thành Nam thường thì khi đã tham gia bán hàng online thì nhiều bạn sẽ khó dứt ra khỏi việc này. Đồng nghĩa với việc phát triển tương lai nghề nghiệp sẽ có nhiều ảnh hưởng vì không thể dành thời gian đủ nhiều cho các môn học chuyên môn sâu để hiểu bài bản. Còn nếu theo bán hàng online, tương lai nghề nghiệp của bạn không xa bạn sẽ chỉ lên trưởng nhóm quản lý bán hàng online, thuê người livetreams, thuê người ship hàng. Việc online kiếm ngay được tiền cũng giống như việc vay tiền trước của tương lai để tiêu ở hiện tại.
Để đảm bảo việc học và kinh doanh online, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, những người trẻ cần kiến thức và nỗ lực theo mô hình chữ T.
“Không những chỉ cần kiến thức kỹ năng ở một lĩnh vực chuyên môn thật sâu (nét dọc của chữ T) mà còn cần các kỹ năng và phông văn hóa thật rộng (nét ngang chữ T)”.
Theo quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, điều quan trọng là việc kinh doanh online của bạn phải nằm trong mục tiêu phát triển nghề nghiệp của bạn, biết được qua nó sẽ giúp bạn hoàn thiện thêm những kỹ năng và phẩm chất nào, biết phải ngừng lại khi những kiến thức, kỹ năng đã đạt được so với mục tiêu nghề nghiệp bạn đã xác định.
Hiện nay, trên mạng xã hội có những khoá học công thức làm giàu từ kinh doanh online thu hút nhiều người xem, đó là những khoá học lợi dụng lòng tham, thích việc nhẹ lương cao và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận những người trẻ để làm giàu cho chính những người tổ chức khóa học đó.
“Những kiến thức trong những khóa học làm giàu thường là những thứ chắp vá, tạp nham không hệ thống và không khoa học. Những kỹ năng được đưa ra trong các khóa học này thường là những mánh khóe không dựa trên nền tảng giá trị tốt đẹp của nhân loại. Nó chỉ là những mẹo làm giàu cho bản thân từ việc lợi dụng lòng tin để kiếm chác, gây hại cho người khác và cộng đồng. Vì vậy thường là học trò của các khóa học này không tiền mất tật mang thì kinh doanh cũng không bền vững vì gặp rắc rối với pháp luật”, PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, để kinh doanh thành công, bạn cần có năng lực để tạo ra một sản phẩm có giá trị và hấp dẫn và sau là ý thức doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp. Vì vậy, trước hết, người trẻ hãy đầu tư tập trung cho chuyên môn sâu để tạo ra những những sản phẩm có giá trị tri thức cao và tích cực trải nghiệm các bối cảnh nghề nghiệp khác nhau để mở rộng kỹ năng công dân thế kỷ 21. Nếu người trẻ có đủ những điều đó việc kinh doanh online sẽ thành công.
Mai Phương