Sẽ cài đặt triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa trên website các Bộ, ngành
Thông tin nêu trên vừa được công bố bởi Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông thuộc Bộ TT&TT.
Bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” là sản phẩm được Bộ TT&TT giao cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Viện CNTT&TT - CDIT) triển khai xây dựng từ năm 2014 nhằm số hóa các tự liệu của triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được Bộ TT&TT tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2013.
Sản phẩm này đã được Viện CDIT xây dựng với mục tiêu không chỉ ứng dụng công nghệ mới phục vụ nhiệm vụ chính trị tuyên truyền về biển đảo góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc mà còn đóng góp cho công tác định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng cho thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam. Đến năm 2016, sau khi kết hợp với các đơn vị của Bộ TT&TT, Viện CDIT đã hiệu chỉnh, nâng cấp sản phẩm bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” thành Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.
Khu vực sa bàn số 3D thu hút đông đảo khách thăm quan |
Sản phẩm triển lãm số về Trường Sa, Hoàng Sa sử dụng công nghệ thực tại ảo 3D của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được đưa vào triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” do Bộ TT&TT tổ chức tại các tỉnh Hà Nam, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bắc Kạn trong thời gian vừa qua.
Với Triển lãm số, các tư liệu (bản đồ, tư liệu văn bản và hiện vật) truyền thống, đặc biệt là các hiện vật, đã được số hóa dưới dạng mô hình 3D. Mỗi tư liệu sẽ có nội dung thuyết minh riêng phục vụ mục đích tự tham quan tra cứu của công chúng. Ngoài ra, lời giới thiệu của thuyết minh viên cũng sẽ được tích hợp thành kịch bản trình diễn tự động cho phép triển khai triển lãm số khi không có thuyết minh viên.
Đặc biệt, triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” còn tích hợp thêm phần sa bàn số 3D về hệ thống các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phần sa bàn này cho phép công chúng tương tác trực tiếp để tìm hiểu thông tin chi tiết về từng đảo trong hệ thống đảo.
Thông qua máy tính, máy tính bảng hay smartphone, triển lãm số kích thích sự tự khám phá của công chúng thay vì chỉ tiếp cận thụ động. Đặc điểm này giúp cho các thông tin, đặc biệt là thông tin lịch sử, trong triển lãm sẽ được tiếp thu một cách tự nhiên, dễ hiểu và dễ ghi nhớ. Chính điều này đã đã khơi nguồn cảm hứng tìm hiểu về lịch sử, về chủ quyền biển đảo Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của người dân, nhất là thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, với việc khắc phục được các hạn chế như: thiếu thuyết minh viên, tư liệu chữ Hán khó tiếp cận theo dõi, hiện vật lớn khó di chuyển theo các điểm trưng bày ở xa, địa hình khó đi, các tư liệu mới chỉ có hình ảnh sơ lược chưa có mô tả chi tiết…, triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ giúp triển khai các triển lãm về chủ quyền biển, đảo tại bất kỳ địa điểm nào, đặc biệt tới các tuyến huyện, xã hay tại các trường học, công sở, các điểm công cộng hoặc thậm chí trên màn hình tương tác của các chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam.
Ngoài ra, triển lãm số còn có thể tích hợp đa ngôn ngữ phục vụ cho hoạt động trưng bày tại nước ngoài hoặc cho đối tượng người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo thống kê sơ bộ của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, qua 4 đợt triển lãm tại Hà Nam, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bắc Kạn trong thời gian vừa qua, số lượng truy cập vào phần mềm sản phẩm Triển lãm số về Trường Sa, Hoàng Sa sử dụng công nghệ thực tại ảo VR3D đã đạt hơn 20.000 lượt truy cập. Đặc biệt, với việc đưa nội dung sa bàn số 3D về hệ thống 9 đảo 12 bãi đá trong quần đảo Trường Sa lên thiết bị máy tính bảng, phương thức tiếp cận thông tin của khách tham quan triển lãm đã chuyển từ thụ động, một chiều sang chủ động, tương tác. Trong một thời gian ngắn khoảng 10 giờ đồng hồ tại Vĩnh Long, hệ thống sa bàn này đã thu hút được gần 3.000 lượt truy cập đến các tư liệu số.
Những thành công bước đầu thu được qua các đợt triển lãm tại 4 địa phương nêu trên đã cho thấy tính hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thực tại ảo 3D và các công nghệ hỗ trợ khác vào tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Nói về kế hoạch thời gian tới, đại diện lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, tới đây sản phẩm triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” sẽ được tiếp tục hoàn thiện để có thể cài đặt trên website của Chính phủ hoặc các Bộ, ngành như một Cổng thông tin quốc gia về biển, đảo Việt Nam để cộng đồng người dùng Internet đều có thể truy cập.