Sau nhiều vụ bạo hành phụ nữ dã man, TQ có lớp dạy làm 'đàn ông đích thực'
Anh Wu Junhong (21 tuổi), sinh viên theo học chuyên ngành xây dựng kỹ thuật dân dụng tại một trường Đại học ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc, thường tự hỏi liệu đàn ông có thể giải quyết những vấn đề mà phụ nữ đang phải đối mặt như sự an toàn ở nơi công cộng.
Mối bận tâm của anh Wu xuất phát từ việc vấn nạn bạo hành phụ nữ trong xã hội Trung Quốc đang vô cùng nhức nhối, dù luật pháp nước này đã có những quy định xử phạt cụ thể.
Trong quá trình tìm hiểu vấn đề trên mạng, anh Wu bất ngờ nhìn thấy một bài đăng về lớp học “đạo đức đàn ông” trên ứng dụng tin nhắn WeChat hồi đầu tháng này.
Mục tiêu của lớp học là giúp đàn ông nhận thức rõ hơn về quan niệm gia trưởng, cũng như tác động của tử tưởng cổ hủ tới đời sống vợ chồng, con trẻ và cá nhân. Ngay lập tức, anh Wu đã đăng ký tham gia lớp học.
"Sau khi chia tay bạn gái và tiếp nhận thông tin từ truyền thông về vấn nạn bạo lực phụ nữ kinh hoàng xảy ra hồi đầu năm nay, tôi muốn biết mình có thể làm được những gì khi đối mặt với tình huống tương tự”, anh Wu nói với Sixth Tone.
Lớp học “đạo đức đàn ông” là một trong những sáng kiến của chuyên gia nghiên cứu giới tính là ông Fang Gang. Ông Fang đang giảng dạy bộ môn tâm lý học, và đã cho thành lập dự án chống bạo lực mang tên China White Ribbon Volunteer.
Ông Fang cho biết lớp học “đạo đức đàn ông” không chỉ giáo dục nam giới về các vấn đề liên quan tới giới tính, mà còn xóa bỏ quan niệm lỗi thời đàn ông không được thể hiện cảm xúc bởi nếu không sẽ bị xem là “yếu đuối” hay “tính cách đàn bà”.
Lớp học “đạo đức đàn ông” là sự đối chọi với các trường dạy “đức hạnh phụ nữ”, nơi đề cao phái nữ phải phục tùng theo chủ nghĩa gia trưởng. Những lớp học như thế này đang bị dư luận Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ.
Theo đó, dự án của ông Fang sẽ tổ chức khoảng 20 lớp học miễn phí bắt đầu vào tháng 1/2023 với nhiều chủ đề như nam tính độc hại, một thuật ngữ miêu tả những khía cạnh tiêu cực trong hành động biểu hiện sự nam tính; làm cha; chăm sóc thai sản, tình dục và các mối quan hệ; nhận thức về bạo lực giới và nhiều vấn đề khác.
Ông Fang nhấn mạnh thêm mục tiêu trọng tâm của lớp học “đạo đức đàn ông” là “khuyến khích nam giới có hành động để bảo vệ quyền bình đẳng”. Nói cách khác, lớp học nhằm “thúc đẩy bình đẳng giới từ góc nhìn của đàn ông”.
Những chủ đề về bình đẳng giới và bạo lực nhằm vào phụ nữ đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng đồng thời, truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc cũng phản đối chuyện “nữ tính hóa đàn ông”, và báo động về “cuộc khủng hoảng nam tính”.
Như trong năm nay, đoạn video ghi lại cảnh nhóm đàn ông tấn công tàn bạo 4 phụ nữ tại một nhà hàng ở thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc đã khiến dư luận Trung Quốc bàng hoàng, và yêu cầu các cơ quan chức năng cần có thêm biện pháp tăng cường bảo vệ cho phụ nữ ở nơi công cộng.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Fang có những nỗ lực nhằm thay đổi quan niệm của đàn ông Trung Quốc, quốc gia mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề.
Như vào năm 2015, ông Fang đã cho thành lập lớp học đạo đức đàn ông đầu tiên ở thành phố Bắc Kinh, nhưng chỉ có 2 người đăng ký học cùng với một vài tình nguyện viên của dự án White Ribbon.
Bảy năm sau, ông Fang cho hay ông vẫn muốn khôi phục lại lớp học, bởi ông xem đây là con đường ngắn dẫn tới một xã hội thân thiện hơn đối với phụ nữ.
Trong năm nay, lớp học “đạo đức đàn ông” đang được mở rộng tại Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô, nơi nhiều nhà tổ chức địa phương có kinh nghiệm về xử lý vấn đề giới tính cũng tham gia giảng dạy.
“Vấn đề chỉ là thời gian. Đàn ông cần phải thay đổi, và sẽ thay đổi”, ông Fang có dự định nhân rộng các lớp học "đạo đức đàn ông" trên cả nước trong thập niên tới.
Bà Celine Sun (41 tuổi) ở Thượng Hải đã tham gia lớp học của ông Fang vào năm 2015 với vai trò một tình nguyện viên của dự án White Ribbon. Theo bà Sun, đây là cơ hội để mọi người nhận định lại định kiến về giới và học cách nâng cao vai trò của giới.
“Lớp học sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, bởi nó sẽ giúp nhận định lại hình ảnh của người đàn ông. Lớp học cũng sẽ giúp mọi người thoát khỏi cái bẫy hình thành từ định kiến về giới theo truyền thống”, bà Sun nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào việc những lớp học như của ông Fang có thể giúp đàn ông thay đổi tư tưởng gia trưởng lỗi thời, cũng như khó có thể thu hút nam giới đăng ký theo học.
“Chỉ những người thực sự quan tâm tới vấn đề bình đẳng giới mới chú ý tới những dự án như thế này”, nữ sinh họ Li chia sẻ.
Minh Thu (lược dịch)