Sau bữa ăn linh đình, nam thanh niên nhập viện vì sốc phản vệ
Đêm 9/7 Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Sơn Dương, Tuyên Quang đã tiếp nhận nam bệnh nhân 25 tuổi đến phòng khám cấp cứu với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, tức ngực, huyết áp tụt thấp 70/30mmHg.
Sau bữa ăn linh đình, nam thanh niên nhập viện vì sốc phản vệ (Ảnh minh họa) |
Với triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân, các bác sỹ đã nhận định bệnh nhân đang rơi vào tình trạng sốc phản vệ mức độ nguy kịch. Bệnh nhân ngay lập tức được cấp cứu bằng phác đồ xử trí sốc phản vệ, sau 4 lần tiêm Adrenaline bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch, huyết áp tụt rất thấp kèm theo khó thở, tức ngực, nổi ban đỏ toàn thân. Các bác sỹ tiến hành duy trì truyền tĩnh mạch Adrenaline liên tục bằng bơm tiêm điện đồng thời kích hoạt báo động đỏ đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân.
Sau khi được duy trì truyền tĩnh mạch liên tục chỉ số huyết áp của bệnh nhân tạm ổn định và được di chuyển về Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) điều trị. Bệnh nhân được duy trì cấp cứu theo đúng phác đồ xử trí sốc phản vệ trong suốt quá trình di chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương. Hiện tại tình trạng ổn định và tiếp tục theo dõi tại khoa Hồi sức.
Theo người nhà bệnh nhân, trước 4 tiếng đến phòng khám cấp cứu bệnh nhân có ăn tối cùng các thức ăn thịt trâu, thịt vịt, thịt chó và có uống 1 cốc bia. Sau ăn xuất hiện ngứa lòng bàn tay và tình trạng khó thở, đau đầu, chóng mặt.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốc phản vệ có muôn hình vạn trạng, bất cứ dị nguyên nào tiếp xúc với cơ thể đều có nguy cơ gây nên tình trạng dị ứng theo từng mức độ từ nhẹ tới nguy kịch.
Khi có bất kì dấu hiệu bất thường nào: mẩn ngứa, ban đỏ, phù mi mắt, môi; đau đầu chóng mặt, buồn nôn, nôn; đau tức ngực, khó thở,... đặc biệt các dấu hiệu này xuất hiện rầm rộ, sau dùng thuốc, ăn uống, tiếp xúc chạm, ngửi,... thì người dân cần tới ngay cơ sở y tế để được chăm sóc kịp thời.
Khánh Chi
Suýt chết vì tranh thủ ăn bát cháo trước khi mổ đẻ
Nhịn ăn uống trước mổ là quy định bắt buộc với người bệnh, bệnh nhân không được ăn uống trong một khoảng thời gian trước khi tiến hành gây mê-phẫu thuật nhằm giúp ngăn ngừa tổn thương phổi do hít sặc.