Nhiều địa phương ở Trung Quốc gánh đống nợ vì chính sách 'zero Covid-19'
Chính sách "zero Covid-19" khiến chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc gánh đống nợ do chi phí chăm sóc y tế người dân gia tăng.
Giới phân tích nhận định, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt với gánh nặng tài chính ngày càng lớn khi thi hành chính sách “zero Covid-19” (không ca nhiễm Covid-19).
Trung Quốc đang phải đối phó với đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất trong vòng 2 năm qua, khi mà hàng loạt thành phố buộc phải áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa bao gồm trung tâm công nghệ Thâm Quyến. Động thái này đang gây ảnh hưởng tới sự ổn định kinh tế và chuỗi cung ứng trên toàn cầu.
Chính sách "zero Covid-19" khiến chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc gánh đống nợ. (Ảnh: CNN) |
“Đợt dùng bùng phát gần đây là sự kiện kinh tế vĩ mô lớn nhất ở Trung Quốc”, Tianfeng Securities, ngân hàng đầu tư tại Trung Quốc nhấn mạnh hôm 17/3.
“Tình hình trên khắp lãnh thổ Trung Quốc thực sự nghiêm trọng, chúng tôi có thể nhìn thấy sức ép đối với hoạt động chăm sóc y tế và tài chính do chính sách phòng dịch hiện thời. Trên quy mô toàn cầu, các chính sách kiểm soát dịch đang được điều chỉnh, và yêu cầu điều chỉnh chính sách tại Trung Quốc cũng đang gia tăng”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định của Tianfeng Securities.
Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhấn mạnh chính sách "không ca nhiễm Covid-19" sẽ được tinh chỉnh để hạn chế tối đa tác động gây gián đoạn nền kinh tế. Song không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Bắc Kinh sẽ từ bỏ chính sách phòng chống dịch Covid-19 được thi hành lâu nay.
Thượng Hải, trung tâm tài chính quốc gia và hậu cần tại Trung Quốc, cho tới nay vẫn chưa từng thực hiện phong tỏa hoàn toàn, mà thay vào đó hối thúc người dân làm việc tại nhà.
Trái lại, một số chính quyền địa phương đã cho triển khai các biện pháp kiềm chế dịch thắt chặt. Song theo các nhà phân tích, nhiều biện pháp không có hiệu quả trong việc chiến đấu với biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Omicron. Trong khi đó, hoạt động xét nghiệm đại trà đang tiếp tục tạo ra gánh nặng đối với ngân quỹ của nhiều chính quyền địa phương.
Hiện tại, phần lớn ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc tập trung ở tỉnh Cát Lâm. Thủ phủ của Cát Lâm là Trường Xuân với dân số 9 triệu người đã bị phong tỏa kể từ cuối tuần trước.
Chính sách "không ca nhiễm Covid-19" tại Trung Quốc tập trung vào thi hành lệnh phong tỏa, xét nghiệm đại trà và cách ly tại các cơ sở của chính quyền.
Tuy nhiên, chi phí cho chiến lược chống dịch đang ngày càng gia tăng. Vào năm 2020, chính phủ trung ương Trung Quốc phân bổ ngân sách để hỗ trợ chính quyền các địa phương dập dịch. Nhưng nhiều địa phương ở Trung Quốc cho biết họ đã tự chống dịch bằng ngân sách riêng kể từ năm ngoái.
Điển hình, hồi tháng Hai, thành phố Tô Châu cho biết đã phải chi 120 triệu nhân dân tệ (18,8 triệu USD) cho công tác chống dịch Covid-19 kể từ ngày 13/2. Khoản chi này được dùng để mua thiết bị bảo hộ y tế, kit xét nghiệm, cơ sở hạ tầng và chăm sóc y tế.
“Phương pháp xét nghiệm đại trà của Trung Quốc sử dụng xét nghiệm axit nucleic đòi hỏi quá trình phân tích ở phòng thí nghiệm, nhưng tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Omicron đang tấn công vào giới hạn của Trung Quốc”, công ty phân tích Moody’s Analytics nhấn mạnh hôm 16/3.
Ông Jiang Fei, nhà phân tích trưởng của công ty Great Wall Securities, ước tính chi phí xét nghiệm axit nucleic tại một số nơi ở Trung Quốc rơi vào khoảng 24 – 48 nhân dân tệ/người.
Còn theo dữ liệu được chính phủ Trung Quốc công bố năm 2020, gánh nặng lớn đè lên vai chính quyền nhiều địa phương có dân số hơn 1 triệu người, khi họ phải chi gần 200 nhân dân tệ cho hoạt động chăm sóc sức khỏe mỗi người dân hàng năm.
Song những thành phố như Ngân Xuyên, thủ phủ của khu tự trị Ninh Hạ, lại chi chưa tới 30 nhân dân tệ hàng năm cho hoạt động chăm sóc y tế mỗi người dân địa phương.
“Gần 70% thành phố có mức chi y tế hàng năm tính theo đầu người dưới 1.500 nhân dân tệ tập trung ở các khu vực thành thị có tỷ lệ tự chủ tài chính dưới 50%. Ngoài ra, chi tiêu y tế hàng năm tính theo đầu người tại một số thành phố lại quá thấp”, ông Jiang nói trong bản nghiên cứu công bố hồi tháng Hai.
Kết quả, chính sách kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 tại nhiều địa phương bị chi phối từ sức ép tài chính.
Nhưng cũng theo ông Jiang, nhưng nơi chính quyền khu vực có tỷ lệ tự chủ tài chính cao hơn, các biện pháp phòng dịch lại thất bại nhiều hơn, do “họ quá tự tin vào năng lực chống dịch”.
“Thắt chặt các chính sách ngăn chặn dịch bệnh gây ảnh hưởng xấu tới tính linh hoạt từ đó làm tăng thêm giới hạn đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở địa phương, cũng như gia tăng áp lực đạt mục tiêu tỷ lệ tăng trưởng GDP”, ông Jiang nhấn mạnh.
Chính quyền Bắc Kinh đã cam kết tăng khoản chi cho các địa phương lên con số 9,8 ngàn tỉ nhân dân tệ trong năm nay để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Song chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền địa phương đẩy mạnh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế quốc gia là khoảng 5,5% trong năm nay.
Song theo các nhà phân tích, duy trì đà tăng trưởng kinh tế và giảm nợ sẽ là thách thức đối với chính quyền nhiều địa phương. Điều này có nghĩa chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ cho phép số nợ tái gia tăng.
Thành phố kiểu mẫu chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc 'lung lay' vì Omicron
Biến chủng Omicron đang trở thành thách thức lớn nhất với Thượng Hải, thành phố kiểu mẫu chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)