Sắp rót 40.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở Hà Nội
Tại buổi làm việc về giải cứu thị trường bất động sản diễn ra tại Hà Nội sáng nay (19/12), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ xử lý 100.000-150.000 tỷ đồng nợ bất động sản trong năm 2013. Ông Bình cũng chia sẻ sẽ cung ứng từ 20.000 đến 40.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại để cho vay mua nhà trong 10 năm. Còn về lâu dài, để tiêu thụ các căn hộ tồn kho cần phải tính toán về các yếu tố khác như cấp phép bất động sản, hợp lý hóa cơ cấu vốn, sàng lọc nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng như giá nhà ở.
|
Ước mơ về một căn hộ giá rẻ của người ít tiền có thể gần hơn khi tất cả các gói giải pháp giải cứu thị trường bất động sản được áp dụng? |
Còn theo ý kiến của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các địa phương cần tập trung nhiều cho phân khúc nhà ở thương mại và tái định cư nhằm bước đầu phát triển cho nhà ở xã hội. Đánh giá thị trường bất động sản Hà Nội, ông Dũng cho rằng, so với TP.HCM, bất động sản Hà Nội đình trệ, chậm, vấp phải bước nhảy hẫng hơn từ năm 2008. Tại Hà Nội, số căn hộ và nhà thấp tầng tồn kho cao hơn so với TP.HCM. Số dự án còn dở dang ở thủ đô cũng lớn. Dư nợ bất động sản chỉ chiếm 23,7% tổng dư nợ (khoảng 55.000 tỷ đồng), song nợ xấu đối với người mua nhà rất lớn, Bộ trưởng Xây dựng đánh giá. Hiện tượng đầu cơ tại Hà Nội cũng diễn ra nhiều hơn qua các hình thức như trung gian dù không có mục đích mua nhà để ở, lướt sóng, vay với mục đích khác nhưng thực chất lại dồn vào bất động sản… cũng như tính chuyên nghiệp trong đầu tư của doanh nghiệp Hà Nội thấp hơn so với TP.HCM.
Cũng như buổi họp tại TP.HCM, Bộ trưởng Dũng đề nghị phải tháo băng để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo hướng gắn với chiến lược phát triển nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Phía Bộ Xây dựng cũng đề xuất ngân hàng cần áp dụng lãi suất cho vay bằng 2/3 so với lãi suất huy động, để kích cầu tiêu thụ với các dự án có người mua hay khả năng hoàn thành. Với những công trình đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, Bộ kiến nghị tùy khu vực cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ phù hợp nhu cầu, khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Bộ trưởng cũng lưu ý Hà Nội ban hành, công bố công khai trình tự, thủ tục điều chỉnh, chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang xây nhà ở xã hội.
Về thuế, phí, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ kiến nghị áp dụng giảm, miễn thuế với thị trường và doanh nghiệp bất động sản, áp dụng thuế suất 20%, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, gia hạn thuế VAT 1-3 tháng với những doan nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng.
Ý kiến này nhận được sự đồng tình từ Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh. Ông Ninh cho biết, ngoài thuế, cơ chế tín dụng cũng cần có lãi suất thấp, khoảng 7% cộng thêm quỹ đầu tư hỗ trợ khoảng 2-3% sẽ là điều kiện tốt để người dân có nhà ở. Phó thủ tướng cũng nhắc lại lời Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng và lưu ý Ngân hàng Nhà nước lưu tâm đến thời gian cho vay cũng như lãi suất, có thể từ 14-15%/năm xuống còn 11-12%/năm là tốt nhất.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, sàn bất động sản, Hà Nội hiện có 5.789 căn hộ chung cư, 3.843 nhà thấp tầng, 330 nhà thu nhập thấp tồn kho. Nợ xấu bất động sản tại Hà Nội, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội chiếm khoảng 13% tổng dư nợ. |
Hoàng Anh