Sao oải hương lại nở mùa Xuân?
Chị là nhân viên văn phòng bình thường ở tổng công ty nhưng luôn khiến đám chị em ganh tị bởi chị may mắn có một người chồng tuyệt vời. Anh mở công ty riêng, bận rộn nhưng sáng nào cũng tự lái xe chở vợ đi làm. Buổi chiều có lái xe riêng của chồng đón nhưng cũng nhiều hôm anh thu xếp được công việc, lại qua chở vợ về.
Đồng nghiệp cùng văn phòng còn biết bữa trưa của chị thường là do chồng chuẩn bị. Hộp đồ ăn 3 ngăn hôm thì mì Ý, dăm bông xúc xích thái hạt lựu vuông vắn, với một ngăn đầy ú ụ nước sốt; hôm là cơm gạo tám thơm nức, khoanh cá rán vàng rộm với đầy đủ cả canh, cà pháo… luôn là chủ đề gây sốt trong đám chị em.
Nhà có giúp việc nhưng anh luôn muốn tự tay chăm sóc vợ như vậy. Cơm canh giúp việc nấu nhưng anh sẽ giành phần đơm vào hộp cho vợ. Nhìn chị lúc nào cũng thong dong nhung lụa, đúng kiểu đàn bà sướng từ trong trứng sướng ra.
Chưa hết, mỗi chuyến đi làm việc trong nước, ngoài nước, chồng đều dành thời gian lùng quà tặng vợ, cử chỉ mà nhiều đàn ông lấy vợ trên 10 năm đã tự miễn cho mình từ lâu. Đàn bà ghen tị với chị đã đành. Các ông chồng của họ cũng hạn chế tiếp xúc với gia đình kiểu mẫu bởi dị ứng với những so sánh bất lợi từ vợ họ.
Bởi thế mà khi chồng quỳ sụp xuống van xin chị nhận đứa con rơi của anh ấy về sống cùng nhà, có lẽ là ngày đen tối nhất trong hơn 30 năm cuộc đời chị.
Vẫn biết chồng mình từ lâu thèm có một mụn con trai nhưng trái tim bất ngờ trúng thương của chị không thể ngay lập tức mở lòng ra với sự kiện quá đặc biệt này. Hóa ra chị cũng không thể thoát kiếp nạn nhân của mối tình ban trưa. Vốn vẫn nghe quen tai chuyện của người khác, nhưng khi nó rơi vào đúng mình thì sao vẫn bàng hoàng, đau đớn quá.
Ngày như tối sầm trước mắt chị. Mắt nhòa lệ vì nước mắt không thể kìm, tai chị như cũng ù đi, chỉ nghe lõm bõm anh ấy phân trần rằng mẹ của thằng bé chỉ nuôi nó đến thời điểm này, khi nó được 2 tuổi, là phải đi lấy chồng, mà cô ấy không có ai để cậy nhờ nuôi con. Bỏ nó vất vưởng thì anh không đành.
Dù lòng đang bấn loạn, oán chồng tự dưng đem một quả bom ném vào cuộc sống êm đềm của mình, nhưng chị cũng lờ mờ nhận ra rằng trong anh có lòng nhân ái của một con người. Nếu anh vứt bỏ con mình, có lẽ chị sẽ ghê sợ anh.
Nước mắt xót xa nào rồi cũng tạm khô. Dần dần, chị đã có thể chăm sóc thằng bé một cách công bằng với hai đứa con gái ruột. Như biết thân phận, thằng bé rất ngoan. Mặc dù anh chị chưa một lần trót làm lộ ra nguồn gốc của nó nhưng nó vẫn có vẻ gì đó thui thủi, dễ thấy ở những đứa trẻ mồ côi.
Nó đi học về là cắm cúi học bài, ngoan ngoãn làm hết những việc nhà nho nhỏ mà chị giao cho nó, xong còn tỉ mẩn ngồi nhổ tóc sâu cho bà nội, là điều mà hai đứa con gái chị luôn ngại. Dĩ nhiên là mẹ chồng chị yêu nó vô cùng. Sâu xa chị hiểu, bà mừng vui vì sự có mặt của nó, nhưng vì nể chị và mặc cảm với tội lỗi của con trai nên không thể hiện rõ ra bên ngoài.
Từ sau khuyết điểm tày trời của con trai, mẹ chồng cũng e dè hơn trong đối xử với chị. Đôi khi, thâm tâm chị cảm ơn sự xuất hiện của thằng bé, bởi mẹ chồng nổi tiếng khó tính, cũng “bắt nạt” chị ra trò khi mới chập chững về làm dâu. Còn bây giờ, vị thế của chị chả khác gì như người ta vẫn thường nói là – bà dâu.
Có lần chị nghe lỏm được mẹ chồng và cháu trai thủ thỉ với nhau trong lúc nhổ tóc sâu:
- Sau này lớn, con có nhổ tóc cho bà nữa không ?
- Có chứ ạ. Mà sao mẹ con không bao giờ bảo con nhổ tóc sâu hả bà? Con thấy đầu mẹ cũng có tóc trắng mà quăn tít bà ạ. Bà bảo tóc ấy ngứa lắm đúng không bà ?
Còn điều này, nhưng chỉ là chị thầm công nhận với lòng mình - thằng bé càng lớn càng giống bố, khiến chị như gặp lại hình ảnh của chính anh rất nhiều năm về trước. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy đã đi thẳng vào con tim xao xuyến tuổi 15 của chị và mắc lại đó như một cái dằm không thể gỡ ra. Có ai gỡ được một cái dằm trong tim mình ?
Chị không thể nói khác với lòng mình là chị bắt đầu cảm thấy yêu nó thật lòng.
*
Thằng bé càng lớn càng lộ rõ tư chất nghệ sĩ. Nó vẽ rất đẹp và tuy chả học hành gì mấy nhưng có nhiều tranh được treo trong các triển lãm, cả ở nước ngoài. Đó là do chị cậy cục những mối thân quen, giới thiệu nó ở nhiều nơi, và khi có cơ hội, họ đều giúp chị mang tranh nó ra với bên ngoài.
Tiếng Anh của nó cũng rất khá nên có người bạn của gia đình là họa sĩ nổi tiếng đã đùa là sau này nó có thể tự mình bán tranh cho người nước ngoài, không sợ bị các chủ gallery … ăn chặn.
Trong các khoản chi, chị luôn ưu tiên mua màu, mua toan cho nó, kể cả khi nó chuyển sang vẽ tranh sơn dầu chị cũng đồng ý. Thấy nó có năng khiếu, ngoài học ở một lớp mỹ thuật của cung văn hóa, chị quyết định cho nó theo học một họa sĩ có tiếng, đồng thời cũng đăng ký cho nó theo học tiếng Anh ở Hội đồng Anh.
Nó tiến bộ rất nhanh. Bố nó nhìn thấy tất cả những hành động của chị, bày tỏ lòng biết ơn bằng nhiều cách. Chị còn được anh chăm chút hơn cả ngày xưa, khiến các cô gái trẻ trong cơ quan càng thêm bội phần đố kỵ. Sau gần 20 năm xảy ra biến cố, chị lại bắt đầu cảm thấy những dịu ngọt của hạnh phúc.
Nhưng rồi ngày cuối năm xảy ra một chuyện. Con trai đá bóng và bị chấn thương khá nặng sau một cú va chạm. Nhìn máu nó tuôn ra nhiều quá, chị muốn ngất xỉu.
Bấy giờ, chị có cảm giác thật sự của một người mẹ nhìn thấy con mình bị đau đớn. Vì thể trạng chị yếu ớt nên bệnh viện chọn bố nó để truyền máu cho thằng bé. Kết luận của bác sĩ làm cả nhà chị sững sờ : Thằng bé không phải là cốt nhục của chồng chị.
Không cần tả thì chắc mọi người cũng hình dung được sự hoang mang đến lặng người của cả gia đình chị trong những ngày tháng ấy. Đặc biệt là chồng chị. Anh ấy suy sụp nhìn thấy rõ, do nhiều đêm không ngủ được. Còn chị thì lúc đó chỉ tập trung cho một mục tiêu là cứu sống thằng bé nên cũng đỡ bị giày vò hơn.
Và thật ra về tâm lý, tuy có sốc nhưng trái tim chị có reo những tiếng vui nho nhỏ vì sự xuất hiện của thằng bé trên đời chính là sự xúc phạm lòng tự ái đàn bà của chị. Bây giờ, trái tim xước xác ngày nào của chị bỗng được biết rằng nó đã đau khổ hơi… thừa. Kể ra chị cũng mâu thuẫn thật đấy.
Chị đã vì tình yêu với bố nó mà chấp nhận cưu mang nó, nhưng bây giờ, khi biết rõ mình đã nuôi “tu hú” trong ngần ấy năm, không hiểu sao chị vẫn không có cảm giác bị mắc lừa. Có thể cái sự ngoan ngoãn và những ứng xử tình cảm của thằng bé đã đủ để trả nợ chị ngay từ kiếp này, chứ không cần đợi đến kiếp sau.
Khi con ra viện, chồng đề nghị cà phê cùng chị ngoài quán để hỏi ý kiến là nên đối xử ra sao với thằng bé, có nên trả nó về cho mẹ đẻ không ? Chưa bao giờ chị nhìn thấy vẻ mặt nghiêm trọng như thế ở con người mà luôn thấy mọi chuyện trên đời chả có gì là quá quan trọng, luôn biết biến mọi chuyện thành hài hước, nhẹ như không – điều mà chị vốn rất yêu ở anh ấy.
Yêu thương chen lẫn xa xót dội lên trong lòng, chị nhẹ nhàng nhưng rành rọt nói với anh là chị không bao giờ muốn thế. Hiện giờ thằng bé đã là một thành viên không thể thiếu trong gia đình rồi. Dứt nó ra là nỗi khổ cho cả người lớn và chính nó. Vả lại, mẹ ruột của nó gần hai chục năm chỉ gọi điện thoại có vài lần, tuy có công sinh nhưng chẳng dưỡng, thì không thể nào có tình cảm gắn bó như là vợ chồng chị được.
Đó là điều chị luôn thắc mắc về người tình cũ của chồng, cho đến khi chị biết cô ấy đã lấy được một ông chủ ngân hàng giàu có và khắc nghiệt, đến mức cô ấy gần như phải xóa đi quá khứ của mình để mong được yên thân.
Lúc đó chị lại thấy thông cảm phần nào với một số phận đàn bà không được làm chủ cuộc đời mình. Nhưng chị tò mò muốn biết là chồng thực sự nghĩ gì sau khi đã rõ sự thật? Chồng chị bảo: Anh cũng vẫn cảm thấy yêu quý nó, thực ra nó đâu có tội tình gì.
Lần đầu tiên, vợ chồng chị có sự “nhất trí cao” như vậy trong một vấn đề liên quan đến thằng con trai. Chị ngồi bên chồng, bàn tay nhỏ bé bất giác tìm tay anh, nghe trong lòng tiếng của mùa xuân khe khẽ rạo rực.
*
Đêm đó, chị có một giấc ngủ thật ngon. Gần sáng, chị mơ thấy mình và chồng nắm tay nhau đi giữa một cánh đồng hoa oải hương tím ngăn ngắt, dưới bầu trời cũng ngan ngát xanh. Cả không gian như được ướp thơm bởi hương của tình yêu và đam mê.
Mở mắt, chị ngỡ ngàng nhận ra, chậu oải hương trên ban-công vừa nhẹ nhàng bung một vài chấm hoa tim tím. Thơm dịu dàng. Chậu oải hương này là do chồng mang về tặng chị sau chuyến đi Pháp mấy tháng trước.
Chị bỗng nhớ vô cùng vẻ mặt chồng khi anh kể với chị rằng bây giờ ở châu Âu, những người yêu nhau có mốt tặng cây thay quà nhân dịp năm mới. Có những chàng trai mua xong cây phải chạy rất vội từ cửa hàng đến nhà người yêu trong mưa tuyết, bởi vì nếu không nhanh cái cây nhỏ rất có thể sẽ bị đóng băng trước khi đến tay cô gái.
Chị đã cười rất nhiều khi anh ví von tình yêu cũng giống như một cuộc chạy đua vậy. Anh là thế, luôn biết cách làm chị lâng lâng, kể cả khi họ đã có với nhau cả một quá khứ không bình an. Bình thường, hoa oải hương nở vào mùa hè, vậy mà không hiểu sao chậu oải hương chồng tặng lại bung nở vào một ngày chớm xuân như thế này…
Dường như xuân đã về rất gần, trong ngôi nhà ấm áp của chị.