Săn sá sùng ở vùng biển Đông Bắc
Săn sá sùng ở vùng biển Đông Bắc
5h30 sáng, trải suốt Bãi Dài của Vân Đồn là hàng chục người đàn bà. Hành trang của họ giống nhau như đúc, chỉ khác về màu sắc. Nón đội đầu. Khăn quấn che kín mặt chỉ hở đôi mắt. Một chiếc mai dùng để đào cát. Một chai nước để uống và một chiếc giỏ để đựng sá sùng.
Sá Sùng hay còn gọi là giun biển là loài thân mềm chỉ sống ở những bãi cát ven biển nơi thủy triều lên, xuống tạo ra những doi cát. Con sá sùng khi còn tươi dài khoảng 5 đến 10 cm cá biệt có con dài đến 15 cm.
Phát hiện chỗ nào có sá sùng đang ẩn mình dưới cát đã khó. Đào được sá sùng lên khỏi mặt đất không bị đứt, sứt mẻ còn khó hơn. Người "mới vào nghề" do non kinh nghiệm rất hay đào đứt thân sá sùng. Mà sá sùng đã đứt, bị thương hoặc chết thì chẳng thể nào bán được. Có cho cũng chẳng ai lấy vì nó bị bẩn vào thịt và mất đi vị ngon ngọt độc đáo.
Vân Đồn ít trồng trọt, nuôi cấy. Đàn ông thì đi làm xa hoặc quanh quẩn với rừng. Đàn bà, con gái ở đây thì giỏi nhất là nghề bắt sá sùng. Người dân Quan Lạn cho biết, nghề săn sá sùng đã có ở trên hòn đảo này từ rất lâu.
Họ than vãn rằng người đi bắt thì ngày càng tăng mà lượng sá sùng bắt được thì ngày một giảm. Nếu cứ đà này, chẳng mấy mà loài đặc sản biển của Vân Đồn sẽ bị xoá tên.
![]() |
Buổi sáng nước rút ra xa để lộ nền đất pha cát in dấu hàng triệu vết bò ngoằn nghèo của sá sùng. Đó cũng là lúc một ngày mới của những người săn giun biển |
![]() |
Hàng ngày ở Vân đồn có hàng trăm người tham gia việc săn bắt, khiến loài vốn được mệnh danh "hiền nhất biển" đang có nguy cơ tuyệt chủng |
![]() |
Nghề hái ra tiền nhưng, thế hệ con cháu họ chẳng người nào thiết tha với nghề suốt ngày bán mặt cho đất |
![]() |
Chiến lợi phẩm sau một ngày cần mẫn |
![]() |
Sá sùng thành phẩm |
Hồng Trang - Khánh Linh