Sân khấu kịch: "Măng" đã dần hết "non"
Sân khấu kịch: "Măng" đã dần hết "non"
Đến thời điểm hiện tại hầu như mỗi sân khấu đều đã có một lực lượng kế thừa với tài năng và sức hút khán giả. Theo nhiều người làm nghề thì đây là một tín hiệu đáng mừng cho sự phát triển của sân khấu nhất là có một khoảng thời gian trước đây, rất nhiều người làm nghề đều lo lắng cho lực lượng kế thừa này.
Trưởng thành hơn
Sân khấu xã hội hóa có một điểm chung là không trả lương cố định cho diễn viên. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có những hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý với nhà hát. Tuy nhiên, bản thân các diễn viên trẻ sau khi ra trường hoặc đã bôn ba nhiều nơi cũng tự nguyện tìm cho mình một bến đậu.
Sau khoảng thời gian vài năm trụ tại một sân khấu nào đấy, từ những vai rất nhỏ dần dần họ đã tạo một vị trí quan trọng và đến nay, rất nhiều nghệ sĩ trẻ đã tạo được tên tuổi.
Quý Bình và Lê Phương |
Bà bầu Mỹ Uyên, Phó giám đốc Sân khấu nhỏ 5B, TP HCM, cho biết: “Trước khi đưa ra lời mời một diễn viên về với mình, chúng tôi xem tài năng và phong thái người đó có phù hợp với khuynh hướng hoạt động của sân khấu hay không. Người được chọn luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng".
Bà Uyên cũng cho biết, hiện giờ, Sân khấu nhỏ 5B đã có nhiều cái tên thu hút khán giả như Qúy Bình, Hoàng Anh, Lê Phương, Diễm Châu….
Sự trọng dụng người trẻ còn được thấy rõ ở sân khấu Phú Nhuận khi sau thế hệ của NSƯT Hồng Vân, Minh Hoàng đã có lớp kế thừa là Đức Thịnh, Thái Hòa, Hòa Hiệp, Thanh Vân, Huỳnh Đông, Thanh Thúy...
Hay Idecaf đến nay đã có Lê Khánh, Lương Thế Thành, Đình Toàn, Đại Nghĩa... Còn sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng đã có Ngọc Lan, Quốc Thịnh, Tuyết Mai, Quang Thảo...
Nhưng phải thừa nhận rằng, dù các nghệ sĩ trẻ trưởng thành nhưng họ vẫn cần một dàn bao lão luyện để vở diễn trở nên chỉnh chu, chặt chẽ và đa dạng hơn. Ở sân khấu nhỏ 5B mỗi vở diễn vẫn cần có sự đóng góp của NSƯT Việt Anh, Mỹ Uyên, Công Ninh...
Ở Idecaf trong một số trường hợp Thành Lộc, Hữu Châu đã nhường vai chính cho Lương Thế Thành, Đại Nghĩa, Đình Toàn nhưng họ vẫn phải có mặt với tư cách là vai phụ không thể thiếu. Ở Hoàng Thái Thanh trong hầu hết các vở tâm lý buộc phải có sự hiện diện của NSƯT Thành Hội, Ái Như hay Thanh Thủy. Hay ở sân khấu Hồng Vân thì phải có chị, Minh Nhí hay NSƯT Bảo Quốc...
Sẽ tiếp tục tỏa sáng
Điều này cho thấy dàn diễn viên trẻ và tài năng vẫn còn cần một bệ đỡ vững chắc làm nổi bật vai trò của họ. Sự trưởng thành ấy không đồng nghĩa là đã có một thế hệ trẻ hoàn toàn đủ sức thay thế thế hệ trước đang chín mùi về kinh nghiệm sống lẫn diễn xuất. Hơn ai hết, các ông, bà bầu đều nhận rõ điều đó và họ đã và đang nỗ lực tiếp sức cho lớp kế thừa.
Hoàng Anh và Diễm Châu |
Ở sân khấu Hoàng Thái Thanh, các diễn viên Quốc Thịnh, Lương Duyên và Tuyết Mai qua sự dạy dỗ khắt khe của Ái Như và Thành Hội diễn xuất ngày càng hay. Không dừng lại ở đó, Lương Duyên và Tuyết Mai đã được tin tưởng giao hẳn vai trò đạo diễn lẫn viết kịch bản. Thành công của vở kịch thiếu nhi Chú kiến lạc loài vừa qua là một ví dụ điển hình.
Sân khấu Phú Nhuận cũng luôn mở rộng cơ hội cho thế hệ trẻ. Ngoài diễn xuất, diễn viên còn được khuyến khích phát huy nhiều khả năng khác. Còn nhớ Thái Hòa thành công vang dội với thể loại kịch kinh dị qua vở Người vợ ma. Đức Thịnh, Diệp Tiên đã đạo diễn vài vở ăn khách.
Sắp tới đây, Xuân Trang còn được tin tưởng giao dàn dựng một vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu toàn quốc vào cuối năm. Còn ở Idecaf, Đình Toàn đã dựng được nhiều vở trong Ngày xửa ngày xưa, Hương Giang cũng đã có kịch bản riêng để dựng...
Sau một thời gian hoạt động sôi nổi có nhiều nốt thăng lẫn nốt trầm, sân khấu kịch đã có một lớp trẻ đang ngày càng cứng cáp. Cho dù họ chưa thật sự hoàn thiện nhưng đó là điều đáng mừng cho sự tồn tại và phát triển của sân khấu.
Theo ĐVO