Rửa tiền và tài trợ khủng bố có mối quan hệ như thế nào?
Ảnh: Minh họa |
Rửa tiền là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách tạo ra vẻ bên ngoài hợp pháp cho các khoản tiền hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội. Rửa tiền đã trở thành vấn nạn nghiêm trọng mang tính quốc tế, được cộng đồng thế giới rất quan tâm, vì nó gây ra hậu quả kinh tế, xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia, làm suy yếu nền kinh tế, cũng như cải tổ nền kinh tế. Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.
Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF), rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội.
Còn Công ước Vienna (1988) và Công ước Palermo (2000) của Liên hợp quốc cho rằng, rửa tiền là các hoạt động chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội, hoặc tham gia vào hành vi nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hành vi này, hoặc giấu giếm hoặc che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội, hoặc có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội.
Còn tài trợ cho khủng bố là sự hỗ trợ tài chính dưới bất kỳ hình thức nào cho khủng bố hoặc cho những kẻ khuyến khích, lập kế hoạch hoặc tham gia thực hiện hành vi khủng bố.
Vậy, hoạt động rửa tiền và tài trợ cho khủng bố có mối quan hệ như thế nào?
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì rửa tiền và tài trợ cho khủng bố thường thể hiện những đặc tính giao dịch giống nhau, đó là phần lớn phải được thực hiện bằng thủ đoạn che đậy.
Những kẻ rửa tiền, gửi tiền bất hợp pháp qua các kênh hợp pháp để che giấu nguồn g ốc phạm tội của chúng, còn những kẻ tài t ợ cho khủng bố thì chuyển tiền với nguồn gốc có thể là hợp pháp hoặc bất hợp pháp theo cách để che đậy nguồn gốc và mục đích sử dụng cuối cùng của số tiền này – đó là hỗ trợ cho khủng bố.
Các khoản tiền được sử dụng để hỗ trợ cho khủng bố có thể bắt nguồn từ các nguồn hợp pháp, các hoạt động tội phạm, hoặc từ cả hai. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sự che đậy nguồn gốc tiền dùng để tài trợ cho khủng bố, bất kể nguồn gốc của tiền là chính đáng hay phi pháp. Nếu nguồn gốc có thể được che đậy thì nó vẫn có thể được dùng vào các hoạt động tài trợ cho khủng bố trong tương lai.
Tương tự, điều quan trọng đối với mọi kẻ khủng bố là che đậy được mục đích sử dụng các quỹ để hoạt động tài trợ không bị phát giác. Vì những lý do như vậy, FATF đã đề nghị rằng mỗi nước cần hình sự hóa hành vi tài trợ cho khủng bố, hành vi khủng bố, các tổ chức khủng bố và quy định rõ những hành vi phạm tội nào cấu thành tội rửa tiền.
Và chính tổ chức FATF đã tuyên bố rằng 9 khuyến nghị đặc biệt kết hợp với 40 khuyến nghị về chống rửa tiền tạo thành một khuôn khổ cơ bản cho việc ngăn ngừa, phát hiện và chống cả rửa tiền lẫn tài trợ cho khủng bố.
Theo đó, những nỗ lực chống tài trợ cho khủng bố cũng đòi hỏi các nước phải xem xét mở rộng phạm vi của khuôn khổ AML để đưa vào đó cả những tổ chức phi lợi nhuận, đặc biệt là những tổ chức từ thiện, nhằm bảo đảm các tổ chức đó không bị sử dụng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc tài trợ hoặc hỗ trợ cho khủng bố.