Rửa tiền từ vốn đầu tư ra nước ngoài: Muốn rửa cũng khó thực hiện!
Ảnh minh họa |
Trong những năm gần đây, nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt ngày càng tăng. Theo đó, thủ tục chuyển vốn ra nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu đầu tư.
Ngoài việc tạo điều kiện về thời gian như xử lý hoàn tất chỉ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhà đầu tư (NĐT) đầy đủ hồ sơ theo quy định, nhất là đối với thủ tục xác nhận chuyển vốn. Thì Pháp lệnh về Ngoại hối sửa đổi năm 2013 có quy định rất mở về việc việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Cụ thể, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài góp vốn, Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 có quy định bổ sung mới so với Pháp lệnh 2005. Đó là, bổ sung quy định về nguồn vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là ngoại hối từ nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Còn theo Pháp lệnh 2005 thì vốn đầu tư được thực hiện từ 3 nguồn: ngoại tệ trên tài khoản tại TCTD được phép, ngoại tệ mua tại TCTD được phép và nguồn ngoại tệ từ vốn vay.
Tuy nhiên, tại Thông tư 37/2012/TT - NHNN nội dung cho vay bằng ngoại tệ của TCTD thì quy định cho vay đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chỉ được thực hiện đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia đã được Chính phủ quyết định cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cũng được cụ thể hóa hơn khi được phép đầu tư là người cư trú không phải là TCTD, thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản, chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài, lợi nhuận và các khoản thu nhập hợp pháp khác về Việt Nam thì phải tuân theo những quy định của NHNN Việt Nam…
Nhiều ý kiến cho rằng, với sự thông thoáng trong pháp lệnh ngoại hối nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thì cũng sẽ nảy sinh trường hợp lợi dụng sự thông thoáng này nhằm mục đích chuyển tiền bất hợp pháp, gây khó khăn trong phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, một đại diện của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, mặc dù có chế độ thông thoáng trong công tác quản lý ngoại hối tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh song doanh nghiệp không thể lợi dụng vấn đề đầu tư ra nước ngoài để thực hiện việc chuyển tiền bất hợp pháp hoặc rửa tiền bởi điều này rất khó thực hiện.
Theo quy định, để được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, NĐT cần đáp ứng các điều kiện như: phải có dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước Việt Nam, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài... Với những quy định này, NĐT phải trải qua quá trình thẩm tra, kiểm tra, xem xét rất chặt chẽ của nhiều cơ quan có thẩm quyền mới có được cấp phép đầu tư ra nước ngoài.
Hơn nữa, NHNN cũng đã quy định rất rõ các điều kiện để được cấp giấy xác nhận đăng ký tài khoản và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Trong đó, có 2 điều kiện tiên quyết là phải có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp.
Đồng thời, NHNN Việt Nam cũng quy định rất chặt chẽ chế độ báo cáo đối với các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, 6 tháng một lần NĐT phải báo cáo tình hình thực hiện dự án, 1 năm một lần phải gửi NHNN báo cáo tài chính đã được kiểm toán hoặc chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư; hàng năm phải chuyển lợi nhuận (nếu có) về nước trong thời hạn 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính.
Đặc biệt, khi đăng ký chuyển vốn cần lưu ý dự án phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài và có văn bản chấp thuận đầu tư do nước tiếp nhận đầu tư cấp. Để tiết kiệm thời gian, NĐT phải chủ động thực hiện thủ tục Hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan ngoại giao Việt Nam tại quốc gia đó ngay khi được cấp văn bản chấp thuận đầu tư.
Ngoài ra, theo Thông tư 35 của NHNN ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam. Cụ thể, các tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương.
Đặc biệt, khi chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có trị giá từ 1.000 USD trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác cũng bắt buộc phải báo cáo với Cục Phòng, chống rửa tiền.