Rửa tiền từ tham nhũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực
Theo kết quả khảo sát, đánh giá về quy định và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng do Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), 41% công chức và 55% người dân cho rằng sử dụng tiền mặt quá nhiều sẽ dẫn đến khó kiểm soát các giao dịch rửa tiền. Nếu tất cả các giao dịch lớn đều thực hiện qua ngân hàng, sẽ truy đươc dấu vết các giao dịch đáng ngờ.
Có giày tốt, chưa chắc đã chạy nhanh
Mặc dù chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thực tế hiện nay chúng ta sử dụng tiền mặt rất nhiều. Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt đã mở ra cơ hội để giao dịch qua tài khoản phát triển, đồng thời làm giảm nguy cơ rửa tiền.
Thói quen dùng tiền mặt là kẽ hở để "tiền bẩn" có được từ tham nhũng biến thành "tiền sạch". Ảnh: minh họa |
Tuy nhiên, báo cáo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam gần đây cho hay 84% doanh số giao dịch là rút tiền mặt, chỉ hơn 15% số tiền được chuyển khoản và vỏn vẹn 0,3% giao dịch phát sinh tại các điểm chấp nhận thanh toán.
Theo bà Sarah Dix, Cố vấn chính sách về phòng, chống tham nhũng, thuộc Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, một vận động viên tham gia cuộc thi maraton được trang bị một đôi giày thật tốt nhưng không có gì đảm bảo là vận động viên đó sẽ thắng trong một cuộc thi chạy, nhưng trong một cuộc thi khác, vận động viên này có thể giành chiến thắng chỉ với một đôi chân trần.
“Tương tự như thế, khi Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối kín kẽ có nghĩa là chúng ta có thể giảm được nguy cơ. Tuy nhiên hệ thống pháp luật tốt cũng chỉ là một lợi thế chứ chưa thể đảm bảo chắc chắn sẽ ngăn chặn được hành vi rửa tiền từ tham nhũng”, bà Sarah Dix khuyến cáo.
Thói quen dùng tiền mặt cũng như hạ tầng thanh toán chưa hoàn thiện là kẽ hở để “tiền bẩn” có được từ tham nhũng nhanh chóng được rửa thành “tiền sạch”.
Theo TS. Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra mỗi khi mua bán những thứ có giá trị lớn là người dân có thể mang cả bao tải tiền để mua và coi đó là chuyện bình thường. Đã giao dịch bằng tiền mặt thì cơ quan thanh tra không thể kiểm soát, bởi vì “tiền trao cháo múc” rồi rất khó để xác định.
“Trong khi đó, nếu chúng ta thực hiện các giao dịch qua ngân hàng, chắc chắn sẽ để lại các dấu vết từ giao dịch. Như vậy sẽ kiểm soát được hành vi rửa tiền. Còn như hiện nay mọi giao dịch có giá trị lớn đều theo phương thức tiền mặt được chuyển từ nhà nọ sang nhà kia thì không ai biết được,” TS. Đinh Văn Minh nói.
Giao dịch không dùng tiền mặt ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, khi đã có giao dịch chuyển khoản, tất cả giao dịch đều thể hiện trên phần mềm của ngân hàng nên việc phát hiện sẽ rất dễ dàng.
“Nếu tiền có được từ tham nhũng mà chuyển cho người khác hoặc chuyển sang tài sản khác, rửa tiền là biến “tiền bẩn” thành “tiền sạch”, từ người này chuyển qua người khác rồi, người khác tiêu thì đó là rửa tiền,” TS. Đinh Văn Minh nói.
Lý giải nguyên nhân tài sản tham nhũng có thể dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để thực hiện hành vi rửa tiền, TS. Đinh Văn Minh cho rằng hiện nay chúng ta chưa có những quy định rõ ràng trong thanh toán cũng như kê khai tài sản.
Theo quy định, những giao dịch đáng ngờ phải được thông báo đến Cơ quan phòng, chống rửa tiền (NHNN) nhưng đối với ngân hàng việc đó cũng làm ảnh hưởng đến kinh doanh của họ.
Bao giờ cũng vậy, ngân hàng cũng vì lợi ích của họ, cũng như tổ chức nào cũng vì lợi ích của mình. Người đi buôn luôn muốn trốn thuế, ngân hàng nào cũng muốn có nhiều khách hàng.
Tuy nhiên, TS. Đinh Văn Minh cho rằng khi đã chấp nhận một xã hội minh bạch, mọi giao dịch cũng như nguồn gốc tiền phải được công khai.
“Thực ra khi anh đã chấp nhận là một con người tử tế về tiền bạc thì anh phải chấp nhận sự kiểm soát. Tài sản thừa kế thì phải có di chúc, tài sản được cho tặng thì phải có hợp đồng cho tặng. Là một ngân hàng phải chấp nhận cuộc chơi, anh kinh doanh là một chuyện nhưng anh phải có trách nhiệm với xã hội chứ không phải cứ có tiền vào là vui còn ở đâu ra không cần biết. Một tổ chức kinh tế thực sự mạnh phải tự tin vào khả năng kinh doanh của mình và phải tuân thủ luật pháp chứ không phải bằng cách này cách khác để kiếm lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm với xã hội.”
Rửa tiền từ tham nhũng khá phổ biến
Theo ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, qua những vụ án xét xử tham nhũng thời gian qua, có thể thấy việc rửa tiền xảy ra ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó điển hình là lĩnh vực bất động sản, thậm chí cả tiền mặt.
Ông Hào cho biết tới đây khi Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực chắc chắn sẽ khiến các công chức phải công khai, minh bạch hơn về tài sản, điều này sẽ hạn chế việc rửa tiền từ tham nhũng.
Đồng tình với ông Lê Tiến Hào, TS. Đinh Văn Minh cũng thừa nhận vấn nạn rửa tiền ở Việt Nam diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Muốn quản lý được việc này phải quản lý trên nền tảng toàn xã hội, đặc biệt là qua chính sách thuế.
“Ngay chuyện giao dịch nhà đất, cũng có người họ giàu không phải là do tham nhũng hay làm ăn phi pháp đâu, họ ăn chênh lệch qua những vụ mua bán, nhưng ở nước ngoài mọi giao dịch đều phải có giấy tờ và phải chịu thuế hoàn toàn. Thậm chí ở nước ngoài nếu anh mua một căn nhà, hai năm sau anh bán đi thuế sẽ khác so với 10 hay 20 năm sau. Vì 1-2 năm mà anh bán đi thì đó là kinh doanh, nhưng nếu anh ở 10 năm hay 20 năm anh bán đi thì không còn gọi là kinh doanh nữa nên mức thuế sẽ rẻ hơn”.
Một xã hội phát triển và có nền kinh tế thị trường điều quan trọng nhất là thuế. Tiền vào tiền ra thế nào đều phải qua thuế. Thậm chí tất cả các công việc lớn nhỏ đều phải có hợp đồng và mọi khoản thanh toán đều phải chịu thuế.
Ông Minh dẫn chứng ví dụ về việc chi phong bì cho các công chức đi dự hội nghị hội thảo, sự tồn tại “văn hóa phong bì” tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại là gốc rễ của nhiêu vấn đề. Thay vì việc phát phong bì, ông Minh kiến nghị sẽ chuyển số tiền đó qua tài khoản, dù chỉ là năm mươi hay một trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên kêu gọi là một chuyện, nhưng thanh tra kiểm tra là việc cần phải làm để mọi tổ chức cá nhân phải có tinh thần thượng tôn pháp luật. Kèm theo sự nhắc nhở là một chế tài đủ sức răn đe, chứ không phải kêu gọi lên xong rồi bỏ mặc. Con người hay tổ chức nếu không có sự kiểm soát sẽ không khác gì cái xe không phanh.
Vẫn biết là giao dịch không dùng tiền mặt sẽ kiểm soát được rửa tiền nhưng theo TS. Đinh Văn Minh, hiện nay hệ thống các ngân hàng Việt Nam còn thiếu cơ sở hạ tầng. Nếu có một hạ tầng đáp ứng yêu cầu như ở các nước phát triển, nguyên tắc mua bán bất cứ cái gì cũng đều phải có hóa đơn và đều thể hiện qua sổ sách. Tất cả mọi giao dịch đều qua thuế, qua tài khoản và qua sổ sách thì mọi cái sẽ minh bạch.