Rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung 'khó có thể hàn gắn'
Tờ China Daily nhận định, một số rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung hiện "khó có thể hàn gắn".
Truyền thông quốc gia Trung Quốc cho hay, một số rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Trung hiện “khó sửa chữa”, giữa làn sóng mới thi hành các biện pháp đối đầu Trung Quốc từ phía chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Theo tờ China Daily, quyết định của Washington trong việc giới hạn cấp thị thực cho một số quan chức Trung Quốc và thân nhân của những người này, cũng như cấm nhập khẩu mặt hàng cotton ở Tân Cương là “những dấu hiệu gây rắc rối”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt ở Nhật Bản hồi năm 2019. (Ảnh: AP) |
“Ngay cả khi chính quyền mới của Mỹ có ý định hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc, một số bất đồng giữa hai bên đơn giản hiện không thể sửa chữa như ý định của Tổng thống Mỹ đương nhiệm”, tờ China Daily viết.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong hàng thập niên qua liên quan tới những tranh cãi về loạt vấn đề như thương mại, công nghệ, an ninh, nhân quyền và đại dịch Covid-19.
China Daily nhấn mạnh thêm, mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đang chuyển hướng theo “con đường nguy hiểm”.
Vào cuối tháng 11, chính phủ Mỹ đã đưa công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC và Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen trừng phạt liên quan tới các công ty bị nghi ngờ có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh mới nhất được Tổng thống Trump phê chuẩn cũng sẽ ngăn các nhà đầu tư Mỹ mua trái phiếu của những công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen bắt đầu từ tháng 11/2021.
Giới chuyên gia nhận định, động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc chứng minh thái độ cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc, cũng như tạo ra không ít thách thức cho chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Tuy nhiên, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải mới đây đã “bắn” tín hiệu bày tỏ hy vọng đảo chiều mối quan hệ đối đầu căng thẳng Mỹ - Trung khi mà ông Biden sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
“Vẫn luôn có những bất đồng giữa hai nước. Không ai chọn đối đầu, chiến tranh nóng hay lạnh. Với sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau cần thiết, chúng ta có thể giải quyết những bất đồng để chúng không làm hỏng toàn bộ mối quan hệ hai bên”, đại sứ Thôi chia sẻ trên Twitter hôm 3/12.
Trong khi đó, một nguồn tin chia sẻ với Reuters hôm 3/12 rằng, các công tố Mỹ đang thảo luận về một thỏa thuận với các luật sư liên quan tới vụ án của Giám đốc Tài chính Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu nhằm giải quyết những cáo buộc chống lại bà này, cũng như chấm dứt việc bà bị giam giữ ở Canada. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, đây có thể là dấu hiệu giúp xóa bỏ một trở ngại lớn trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Song cho tới nay, không rõ chính quyền của Tổng thống đắc cử Biden có tạo ra được "bước chuyển biến lớn” trong quan hệ Mỹ - Trung hay không.
Còn trong tuần này, ông Biden đã chia sẻ với tờ New York Times rằng hiện tại, ông sẽ chưa gỡ bỏ những hàng rào thuế quan mà ông Trump đang áp đặt với Trung Quốc.
Lý do gì khiến hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời khỏi Mỹ?
Hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc rời khỏi Mỹ trước cáo buộc làm gián điệp và có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc.
Minh Thu (lược dịch)