Rác chất đống, giao thông gián đoạn ở Pháp vì đình công
Theo hãng tin Reuters, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, đa số cử tri phản đối kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, từ 62 lên 64 tuổi. Người lao động cũng buộc phải làm đủ 43 năm mới nhận được lương hưu đầy đủ. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cho biết, việc thay đổi chính sách là cần thiết nhằm đảm bảo cho hệ thống không bị vỡ.
Công nhân trong một số lĩnh vực, gồm lọc dầu và đường sắt, có kế hoạch tiếp tục đình công tới hết tuần, sau khi một số lượng người kỷ lục đã kéo xuống đường vào hôm thứ Ba (7/3) như một phần của ngày hành động trên toàn quốc. Theo France24, tổng số 1,28 triệu người biểu tình đã tuần hành trên khắp các thành phố, thị trấn của nước Pháp.
Hiện nay là thời điểm quan trọng đối với cả các công đoàn và chính phủ vì Tổng thống Macron hy vọng Quốc hội sẽ thông qua luật hưu trí mới trước tháng 4 trong khi các công đoàn muốn chính phủ rút lại kế hoạch cải tổ. Ngày đình công và biểu tình trên toàn quốc được ấn định vào thứ Bảy tới.
Công nhân của TotalEnergies (TTEF.PA) đã bỏ phiếu về việc dừng sản xuất tại nhà máy lọc dầu Feyzin, gần Lyon. Trước đó, các công nhân chỉ mới chặn các chuyến hàng tại khu vực này. Một số chi nhánh của CGT - công đoàn lớn thứ 2 ở Pháp và công đoàn nhỏ hơn FO tiếp tục kéo dài các cuộc đình công nổ ra từ đầu tuần.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pháp Clement Beaune cho biết, giao thông đường không sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong ngày hôm nay và ngày mai, với 1/5 số chuyến bay tại sân bay chính của Paris là Charles de Gaulle và 1/3 số chuyến bay tại sân bay Orly bị hủy bỏ.
Sáng qua, giao thông đường sắt và tàu điện ngầm ở Paris bị gián đoạn nghiêm trọng do các cuộc đình công của tài xế. Nhà chức trách đường sắt SNCF cho biết, chỉ 1 trong 3 chuyến tàu cao tốc được vận hành, tàu tới Tây Ban Nha cũng bị gián đoạn. Những người thu rác ở Paris cũng đình công khiến rác thải chất đống trên đường phố.
Hoài Linh