Quýt Bắc Cạn khẳng định thương hiệu
Quýt Bắc Cạn mang nguồn gien quý, là đặc sản của địa phương. Quả quýt Bắc Cạn tròn dẹt, đường kính từ bảy đến chín cm, cao từ bốn đến năm cm, vỏ nhẵn, màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, mùi rất thơm. Thành phần chất lượng gồm, đường chiếm 9%, nước chiếm 73%, còn lại là axít, vi tamin C.
Hiện nay Bắc Cạn có khoảng 1.300 ha quýt, được trồng tập trung ở các huyện Bạch Thông, Ba Bể và Chợ Đồn trên đất Feralit đỏ vàng trên đá biến chất, đất Feralit vàng đỏ trên phiến thạch sét, đất Feralit vàng trên đá Mắcma axit.
“Việc quýt Bắc Cạn được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý, không những công nhận về chất lượng, bảo hộ thương hiệu, mà còn góp phần tích cực quảng bá sản phẩm, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, nhận thức của nông dân trong việc trồng, chăm sóc đúng quy trình nhằm mở rộng diện tích, không ngừng nâng cao chất lượng quả. Từ đó, góp phần tích cực giảm nghèo, tiến tới làm giàu cho người trồng quýt, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số”- Tiến sĩ Khiêm khẳng định.
Để được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhiều năm qua Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn cùng Viện Rau quả Trung ương thực hiện đề tài nghiên cứu, lập hồ sơ chứng minh giá trị đặc trưng nổi trội của quýt Bắc Cạn.
Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Cạn trong nhiều năm qua đã kiên trì nhân giống quýt bằng phương pháp ghép cành, ghép mắt thay thế cho phương pháp nhân giống truyền thống của nông dân. Phương pháp ghép cành, ghép mắt giúp cây sinh trưởng khoẻ, giữ được chất lượng của quýt, hệ số nhân giống cao hơn.