Quyết liệt phòng, chống buôn lậu, GLTM và hàng giả
Lực lượng Hải quan Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép lô hàng gồm 300 sản phẩm mỹ phẩm nhãn hiệu KA'FEN, OASIS vào hồi cuối tháng 10/2018 |
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ389) về tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả, từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả tập trung phần lớn ở 4 khu vực lớn, trong đó tuyến biên giới và cảng hàng không là một trong những trọng điểm về hoạt động buôn lậu.
Trên tuyến biên giới và cửa khẩu đường bộ, địa bàn trọng điểm về hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả vẫn là khu vực biên giới các tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và An Giang. Đối với tuyến biên giới phía Bắc, hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử gia dụng, gia cầm… Trong đó, nổi lên là tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy diễn ra phức tạp. Trên tuyến biên giới miền Trung, tại khu vực Lao Bảo, La Hay (tỉnh Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu, rượu ngoại, đường cát, gỗ… có dấu hiệu hoạt động mạnh. Tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuy có xu hướng gia tăng.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, địa bàn trọng điểm là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, HCM và các thành phố lớn. Nhiều vụ được phát hiện là hàng hóa gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất dấu như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, rượu ngoại, xì gà, nhất là mặt hàng iPhone được buôn lậu với số lượng lớn.
Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng đường hàng không vận chuyển trái phép hàng cấm, như: súng đạn,… Theo cơ quan chức năng, đối tượng trọng điểm chủ yếu là hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích; cá nhân hoặc tổ chức gửi hàng bưu phẩm, bưu kiện qua đường bưu điện không có giấy tờ hàng hóa chứng minh tính hợp pháp của hàng ký gửi khi làm thủ tục hải quan; cá nhân, doanh nghiệp có các lô hàng vi phạm bị phát hiện thì từ chối nhận hàng.
Không chỉ nóng về các vụ vận chuyển trái phép ma túy, các đối tượng còn lợi dụng đường hàng không vận chuyển trái phép hàng cấm, như súng đạn |
Trước những thủ đoạn tinh vi của bọn buôn lậu, các lực lượng chức năng như Công an, BĐBP, Hải quan, Quản lý thị trường… đã tăng cường nhiều biện pháp chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Cụ thể, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng BĐBP và Cảnh sát biển tăng cường công tác nắm tình hình, bảo vệ an ninh trật tự, chú trọng các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và các vùng trọng. Kết quả là đã phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ án lớn về ma túy, thuốc lá, xăng dầu, pháo nổ…
Theo thống kê của BĐBP, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng BĐBP chủ trì bắt giữ 970 vụ, 1215 đối tượng, trong đó: buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới 967 vụ; GLTM 2 vụ và hàng giả 1 vụ. Trị giá hàng hóa tạm giữ trên 61 tỷ đồng.
Về phía Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng Công an cả nước quyết liệt mở nhiều đợt cao điểm tấn công truy quét tội phạm, phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, thu giữ nhiều hàng hóa buôn lậu có giá trị cao, góp phần quan trọng kiềm chế tình hình buôn lậu ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó khởi tố hình sự 138 vụ, 188 đối tượng.
Đối với Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa.
Bộ Tài chính yêu cầu lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, các lĩnh vực dễ bị lợi dụng như thủ tục hải quan điện tử, hàng hóa chuyển cảng, chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất…
Ngoài ra, các Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố đã triển khai có hiệu quả các kế hoạch của BCĐ 389 quốc gia. Nhiều BCĐ 389 tỉnh, thành phố đã xây dựng các kế hoạch, triển khai quyết liệt và đạt kết quả cao, nhất là tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện hiệu quả các phương án, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường; chống buôn lậu, GLTM, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nhờ sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt trong thời gian qua nên theo báo cáo sơ bộ, từ đầu năm đến hết tháng 10/2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 207.846 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước đạt gần 17 nghìn tỷ đồng; khởi tố 1310 vụ, 1480 đối tượng.