Quảng Ninh chủ động ứng xử với rác thải đô thị nhưng chưa hiệu quả
Lợi ích vậy, nhưng việc ứng dụng công nghệ đốt rác còn nhiều trắc trở, nhiều cỗ lò đầu tư lớn xây xong mà không đốt được rác. Quảng Ninh đã bộc lộ rõ những bất cập trong vấn đề này, sự thể như bài toán đã có nhiều lời giải nhưng chưa tìm ra đáp số đúng.
Nhà máy rác Trung Lương. |
Quảng Ninh từng là cái nôi của nền công nghiệp nặng Việt Nam và đã sớm hình thành đô thị mỏ. Tốc độ đô thị hóa nhanh, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong toàn quốc có 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh. Tuy nhiên, đô thị phát triển “nóng” cũng kéo theo các vấn đề về môi trường. ''Người ở đến đâu thì rác thải theo chân đến đó'', rác thải tỷ lệ thuận với tăng dân số.
Quảng Ninh đã chủ động các phương án xử lý rác thải đô thị với những hành động thiết thực.
Ngày 30/11/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 4012/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn hiện đại. Theo đó, chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Ngay thời điểm đó, tỉnh đã xác định, quy hoạch trù tính năm 2020, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh khoảng 640.000 tấn/năm, năm 2030 tăng lên đạt khối lượng 862.000 tấn/năm. Việc lựa chọn vị trí các khu xử lý CTR cho các đô thị theo hướng liên đô thị với các cấp độ phục vụ gồm: vùng tỉnh, vùng huyện, liên đô thị... sao cho phạm vi phục vụ có sự liên kết giữa các địa phương gọi chung là cấp huyện, không phân chia địa giới hành chính.
Quảng Ninh đã quy hoạch 8 khu xử lý CTR cấp vùng và liên đô thị, 2 khu xử lý CTR cấp đô thị. 4 khu xử lý CTR cấp liên đô thị tại các thành phố Hạ Long (Hoành Bồ cũ), Móng Cái, Uông Bí và huyện Tiên Yên. Đầu tư công nghệ đốt CTR tại Khu xử lý rác Vũ Oai - Hòa Bình (Hạ Long), Khu xử lý rác Khe Giang (Uông Bí). Chỉ có số ít các huyện xử lý cấp đô thị riêng lẻ, dùng công nghệ chôn lấp, ủ sinh học.
Quảng Ninh có phương châm huy động các nguồn lực trong và ngoài ngân sách đầu tư vào quá trình thu gom, xử lý CTR đô thị, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR đô thị tại các địa phương.
UBND tỉnh cũng đã giao cho các ngành, các địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường, thực hiện phân loại CTR đầu nguồn thực hiện thí điểm tại thành phố Uông Bí, các xã đảo; trụ sở các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế.
Theo đó là lộ trình đóng cửa các bãi chôn lấp CTR khi đã đạt dung tích chôn lấp lớn nhất theo thiết kế kỹ thuật, và chuyển đổi công nghệ chôn lấp sang đốt.
Khu chôn lấp rác. |
Ngày 25/8/2016, UBND tỉnh có công văn số 5195/UBND-MT chỉ đạo một số nội dung cụ thể: Đóng cửa các bãi chôn lấp rác Hà Khẩu, Đèo Sen, Khu Trới I thuộc thành phố Hạ Long; bãi chôn lấp rác Khu 7 Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (để chuyển rác về Trung tâm xử lý CTRVũ Oai-Hòa Bình chờ đốt) vào tháng 11/2016.
Đến năm 2017, đóng cửa bãi chôn lấp rác Vòong Xi, Khu 4 thị trấn Cô Cô, huyện Cô Tô (để chuyển rác về Khu xử lý CTR Trường Xuân, xã Đồng Tiến chờ đốt).
Các bãi chôn lấp rác Vô Ngại (Binh Liêu), Cống To (Tiên Yên), Đồng Tâm (Đầm Hà), Khe Hố ( Ba Chẽ), Cầu Cao (Vân Đồn)... đóng cửa vào năm 2020.
Kinh phí đầu tư cho đóng của các bãi chôn lấp CTR, hoàn nguyên môi trường là 1.803 tỷ đồng, giai đoạn đến năm 2020 là 988 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2030 là 815 tỷ đồng.
Việc Quảng Ninh có quy hoạch quản lý chất thải rắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng, thu hút được các nguồn lực trong và ngoài ngân sách nhà nước đầu tư vào dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đô thị. Nhiều nhà đầu tư mở rộng quy mô xử lý CTR, đầu tư dây chuyền công nghệ đốt rác đắt tiền, công nghệ hiện đại châu Âu, dự tính việc đốt rác còn tận dụng nhiệt sản xuất điện năng, sản xuất phân bón ruộng, tro xỉ chế biến gạch không nung...
Khi mới bắt tay vào việc, nhà đầu tư nào diễn thuyết về giải pháp đốt rác cũng hay. Người dân không nghi ngại bởi họ còn xuống khoản tiền lớn đầu tư, đầu tư các thiết bị tiên tiến mới toanh, thậm chí thuê cả các chuyên gia trong nước và quốc tế đêm ngày cần mẫn xây lò bễ, lắp ráp máy mọc, nhà xưởng... Thế nhưng, khi hoàn thành, lò đốt xây xong không vận hành được, rác làm phân bón cây thì đổ bệnh chết.
Bên cạnh đó, quy hoạch xử lý CTR cấp vùng, liên đô thị... bị lạm dụng, các đô thị từng ùn lên rác lưu trong khu dân cư bốc mùi hôi hám khiến môi trường ô nhiễm, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Núi rác tạm ở Vũ Oai hiện còn gần 900.000 tấn rác tồn chưa xử lý được, đang phân hủy trên mặt đất. |
Vấn đề xử lý rác thải đô thị ở Quảng Ninh như bài toán nhiều lời giải nhưng chưa ra đáp số đúng chuẩn nhất, sáng tạo nhất.
Phong Lan