Quảng Ninh: Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số
Có thể thấy khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của các trẻ dân tộc thiểu số (DTTS) khi vào lớp 1. Vì vậy, thời gian qua, một số tỉnh trên địa bàn cả nước đã tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ nhận biết và phát âm tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các thiết bị đồ chơi, đồ dùng...
Ngoài ra, việc tổ chức xây dựng không gian phòng học tại các lớp tiểu học giàu chữ viết tiếng Việt để giúp học sinh có nhiều cơ hội nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, giúp các em có nhiều cơ hội và thuận tiện trong việc kết nối sử dụng tài liệu tiếng Việt trong học tập cũng được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu đó cần phải quan tâm đến công tác xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên công tác tại vùng dân tộc thiểu số. Đây được coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng cường tiếng việt cho trẻ em mầm non vùng DTTS.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Quảng Ninh) cho biết: "Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ về tăng cường tiếng việt (TCTV) cho trẻ; Thành lập đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán gần 200 người ở các cấp để triển khai hoạt động TCTV cho trẻ em vùng DTTS.
Công tác bồi dưỡng giáo viên về TCTV cho trẻ em vùng DTTS không chỉ được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh quan tâm mà còn thường xuyên được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các hình thức bồi dưỡng được đa dạng hóa thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, hội thi, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm...
Đổi mới rõ nét nhất là Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ sở có trẻ em vùng DTTS tăng cường các hoạt động bồi dưỡng thông qua mô hình “sinh hoạt chuyên môn hai chiều” theo hình thức liên tổ, liên trường, liên huyện..."
Một giờ học tập làm văn của học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Đồng Văn, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). |
Cùng với đó là khuyến khích đội ngũ giáo viên tự bồi dưỡng, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS, tích cực nghiên cứu, áp dụng các phương pháp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng TCTV cho trẻ mầm non vùng DTTS.
Xây dựng các câu lạc bộ “Tiếng Việt với trẻ em DTTS”, “Giáo viên mầm non DTTS”... qua đó nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ nhằm TCTV cho trẻ DTTS.
Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT đẩy mạnh xây dựng môi trường TCTV cho trẻ em người DTTS theo các tiêu chí, trong đó quan tâm xây dựng thư viện thân thiện, phù hợp để khuyến khích các bậc cha mẹ cùng đọc sách với trẻ tại trường, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, góp phần xây dựng nền tảng văn hóa đọc cho trẻ.
Đồng thời, các phòng GD&ĐT cũng tăng cường làm tốt công tác xã hội hóa để có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng, TCTV cho trẻ em người DTTS; quan tâm phát triển mô hình nhân viên hỗ trợ ngôn ngữ làm cầu nối ngôn ngữ cho trẻ tại các điểm trường vùng khó khăn, hẻo lánh.
Các phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chuyên đề: Tăng cường nghe, nói tiếng Việt cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non có đông trẻ em người DTTS; kịp thời, tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể có sáng kiến hay trong việc nâng cao chất lượng, tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.
So với mục tiêu cụ thể trong Đề án của Trung ương đặt ra đến năm 2020, thời điểm hiện tại tỉnh Quảng Ninh đã đạt và vượt tỷ lệ trẻ mẫu giáo DTTS ra lớp (cao hơn 4,1%); đạt tỷ lệ 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN, học sinh tiểu học người DTTS được tập trung TCTV phù hợp với độ tuổi.
100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và tiểu học vùng DTTS được bồi dưỡng công tác quản lý, phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động TCTV; 100% trường mầm non, tiểu học học vùng DTTS được bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học TCTV.