Quảng Ngãi: Tuyên tuyền nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm
Năm 2017, lực lượng chức năng tỉnh xử lý hành chính phạt tiền 19 lượt cơ sở với số tiền 93.400.000 đồng, cảnh cáo 11 lượt cơ sở và xử lý khác 15 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ (Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, trên địa bàn tỉnh hiện có 516 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ dễ liên quan đến công tác phòng, chống mại dâm. Trong đó có 65 khách sạn, 120 nhà nghỉ, 75 nhà trọ, 150 quán karaoke, 05 nhà hàng, 75 quán cà phê giải khát, 20 cơ sở xông hơi, massage, 5 cơ sở hớt tóc máy lạnh và 1 vũ trường.
Số cơ sở kinh doanh dịch vụ có biểu hiện nghi vấn có liên quan đến hoạt động mại dâm là 50 cơ sở với tổng số nhân viên phục vụ tại cơ sở kinh doanh là 140 người.
Cụ thể, trong năm 2017, lực lượng chức năng của các sở, ngành, địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra 90 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua công tác kiểm tra phát hiện 45 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm pháp luật, đã xử lý hành chính phạt tiền 19 lượt cơ sở với số tiền 93.400.000 đồng, cảnh cáo 11 lượt cơ sở và xử lý khác 15 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng còn phối hợp với lực lượng Công an toàn tỉnh tổ chức truy quét, triệt phá, bắt và xử lý 5 vụ hoạt động mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ với 25 đối tượng. Trong đó: 5 chủ chứa, 10 gái bán dâm và 10 nam mua dâm. Qua đó, lập hồ sơ đề nghị truy tố 5 vụ/5 đối tượng chủ chứa mại dâm. Xử lý hành chính phạt tiền 3.000.000 đồng đối với 10 gái bán dâm và 10 nam mua dâm bằng hình thức ra quyết định giáo dục tại địa phương.
Ngay từ đầu năm 2017, sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh triển khai thực hiện công tác tuyên truyền; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; truy quyét, triệt phá ổ nhóm hoạt động mại dâm.
Qua đó, chỉ đạo, hướng dẫn Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố và Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh thống kê về đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, tỉnh và số lượng tình nguyện viên đội công tác xã hội tình nguyện tại các xã, phường, thị trấn. Xây dựng 09 xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm tại các huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.
Cấp phát cho các huyện, thành phố 20.100 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; 5.529 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; 3.941 tờ rơi tuyên truyền về cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy và 40 cuốn “sổ tay kiến thức, kỹ năng cho tình nguyện viên” để làm tài liệu tập huấn, hướng dẫn về kiến thức, kỹ năng phòng, chống tệ nạn xã hội cho đội ngũ tình nguyện viên đội công tác xã, hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tổ chức tập huấn cho 200 lượt cán bộ cấp huyện, cấp xã về nghiệp vụ công tác phòng, chống mại dâm.
Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng 205 panô, áp phích, tổ chức 356 buổi truyền thông về công tác phòng, chống mại dâm tại xã, phường, thị trấn thu hút 185.425 lượt người tham dự; đồng thời tiến hành xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ cụ thể nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm và tội phạm như: Câu lạc bộ ”Phòng, chống bạo lực gia đình, quản lý con em không phạm tội”, ”Phòng, chống tội phạm”, ”Phụ nữ với pháp luật”, ”Tuổi vị thành niên”; mô hình ”Tự quản tự phòng” ở huyện Sơn Tịnh; Mô hình ”Nhà trọ không có tội phạm ẩn náu” ở thành phố Quảng Ngãi; mô hình ”Khu dân cư không có tệ nạn mại dâm, ma túy” ở huyện Đức Phổ.
Riêng mô hình ”Tổ tự quản” được xây dựng ở hầu hết các khu dân cư trong tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống mại dâm.
Tỉnh cũng tổ chức hơn 124 hội nghị tuyên truyền các văn bản về phòng, chống tệ nạn mại dâm với hơn 8.240 lượt người tham gia. Cấp 200 tập tài liệu tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho 184 xã, phường, thị trấn và Mặt trận Tổ quốc huyện, thành phố.
Đến thời điểm này các ngành chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội đã tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại 38 khu dân cư, 29 xã, phường, thị trấn với 29.281 lượt người tham dự; 11 trường PTTH và 17 trường THCS với 20.129 lượt giáo viên, học sinh tham gia; đồng thời kết hợp phổ biến Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, tuyên truyền tác hại của tệ nạn mại dâm đến các doanh nghiệp, trường học, tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không tham gia hoặc liên quan đến tệ nạn mại dâm. Vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hỗ trợ quản lý, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi, phụ nữ bị mua bán ra nước ngoài vì mục đích mại dâm trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.