Quảng Nam tích cực tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn vùng dân tộc thiểu số
Phía tây tỉnh Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện vùng cao (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn), là địa bàn cư trú lâu đời của các thành phần dân tộc thiểu số như Cơ tu, Xơ đăng, Giẻ - Triêng, Cor và một số dân tộc di cư từ miền Bắc vào như Tày, Nùng, Thái...; có gần 130.000 người, chiếm 8,2% dân số toàn tỉnh.
Trong thời gian qua Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư, chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Nhìn chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có sự chuyển biến đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao dân trí của người dân, cơ bản khắc phục và đẩy lùi những phong tục tập quán lạc hậu, lỗi thời. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp được bảo tồn và phát triển tốt. Đa số người dân có ý thức tự lao động tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết chung tay xây dựng cộng đồng thôn văn minh, văn hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh vẫn còn những tồn tại, khó khăn nhất định, trong đó tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra khá phổ biến và ngày càng tăng ở 6 huyện vùng cao có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Qua điều tra, khảo sát sơ bộ của các địa phương, từ năm 2010 đến 2015 có 1.534 trường hợp tảo hôn; 101 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân chủ yếu là: Ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu như hứa hôn, cưỡng ép hôn nhân vẫn còn tồn tại; Sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh; Trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người dân còn rất hạn chế; Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương chưa mạnh mẽ, quyết liệt; Một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi và dễ dàng thiết lập các mối quan hệ với nhau.
Đáng chú ý là công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại nhiều địa phương, trường học còn hạn chế. Công tác giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức.
Nhằm khắc phục, ngăn ngừa, giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 về phê duyệt Đề án “ Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Ngay sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Kế hoạch số 4462/KH-UBND ngày 5/10/2015 triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Và ngày 8/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 07 về tăng cường lãnh, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Trong đó xác định mục đích chung là nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam.
Mục tiêu đặt ra là hàng năm giảm bình quân từ 2 -3% số cặp tảo hôn và 3-5% số cặp hôn nhân cận huyết thống; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn miền núi của tỉnh.
Qua một năm triển khai thực hiện, Ban Dân tộc đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Khảo sát, đánh giá thực trạng ban đầu về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức 6 hội nghị ở cấp huyện vùng cao để triển khai chủ trương, biện pháp của Chính phủ, Kế hoạch của UBND tỉnh, Chị thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kế hoạch hoạt động của Ban Dân tộc.
Đặc biệt, đã tổ chức biên soạn, cung cấp thông tin, tài liệu, lắp đặt pa nô tuyên truyền trực quan về Luật Hôn nhân và gia đình tại các trung tâm huyện, xã; xây dựng, thực hiện mô hình điểm tại xã Trà Vinh và Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Nam Trà My có đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ và nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.
Ngoài ra còn tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở; tổ chức tuyên truyền trực tiếp về Luật Hôn nhân và gia đình, nguy cơ, hậu quả và nguyên nhân của hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn đến nhân dân ở các thôn xã Trà Vinh; Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh hàng tháng xây dựng và phát sóng về chuyên mục “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.
Thời gian tới, để thực hiện những mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, nhất là lực lượng người có uy tín, già làng... phải tiếp tục vào cuộc đồng bộ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra, giám sát, vận động đảng viên, hội, đoàn viên và nhân dân thực hiện tốt Luật Hôn nhân và gia đình nhằm ngăn ngừa kịp thời tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.