Quảng nam phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc từ 3-4%/năm
Dù có nhiều khởi sắc nhưng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại Quảng Nam vẫn hết sức khó khăn. Ảnh minh họa: Trần Hữu |
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói, tỷ lệ hộ nghèo DTTS phấn đấu giảm bình quân 3 – 4%/năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi ở trẻ em DTTS dưới 5 tuổi (%) sẽ giảm xuống dưới 12% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ em DTTS nhập học đúng tuổi bậc tiểu học đạt 99,9%. Tỷ lệ người DTTS hoàn thành chương trình tiểu học đạt 97%...
Chương trình được thực hiện từ năm 2018 – 2020, định hướng đến 2025 với đối tượng chính là người dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên đồng bào DTTS ở vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh nhấn mạnh sẽ huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ làm cơ sở hướng tới một số mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số sau năm 2015.
Trên cơ sở nguồn vốn cấp trên giao, tỉnh sẽ chủ động lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý cho chương trình, chính sách liên quan, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực: Giảm nghèo, an sinh xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo nhằm góp phần thực hiện và duy trì bền vững các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, thôn đặc biệt khó khăn.
Tỉnh cũng sẽ tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính và xây dựng cơ chế để các tổ chức này tham gia một cách tích cực và hiệu quả. Đồng thời tỉnh cam kết đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào các dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, vệ sinh, môi trường, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm, phát triển văn hóa, giáo dục, giảm nghèo bền vững.