Quảng Bình: Chương trình phòng, chống mại dâm năm 2017 có nhiều chuyển biến
Để làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ngày 14/6/2017 UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 1035/KH-UBND về việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm năm 2017 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch số 875/KH-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh về tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn năm 2017, chỉ đạo xây dựng mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng, mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng…
Triển khai thực hiện Kế hoạch đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm nhằm hạn chế số người mới tham gia hoạt động mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm; đảm bảo quyền bình đẳng trong tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm tạo cơ hội cho họ thay đổi cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững; đồng thời giảm tội phạm liên quan đến mại dâm.
Nhân viên tiếp cận cộng đồng của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS phát tờ rơi tuyên truyền cho người dân |
Đến cuối đến năm 2017, tỉnh Quảng Bình đạt 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng, ngừa mại dâm và duy trì thường xuyên; có 60% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, việc làm, phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm mua bán người; 40% xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện được các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/AIDS, phòng ngừa giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Để đạt được hiệu quả nhất định trên, cấp ủy chính quyền cùng ban ngành phối hợp với tổ chức đoàn thể đã thực hiện tốt việc tăng cường công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm; đẩy mạnh thực hiện hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội; xây dựng, triển khai hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa giảm hại tình trạng bạo lực trên cơ sở giới; đấu tranh xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.
Cán bộ Trung tâm HIV/AIDS tuyên truyền phòng chống các bệnh xã hội cho các tổ chức, đoàn thể. |
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cấp xã, phường, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội; lấy hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng và phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung tại địa bàn quản lý làm chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm; phổ biến, giáo dục pháp luật đến từng người dân, từng bước xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên, xã hội khác; đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục, vận động phòng, chống mại dâm vào chương trình hoạt động sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể xã hội, khu dân cư, cơ quan, đơn vị; đồng thời đẩy mạnh việc lồng ghép chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách về giảm nghèo, tạo việc làm, dạy nghề, vay vốn để phát triển kinh tế; xây dựng xã phường, thị trấn lành mạnh, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không có tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định và thủ tục về cấp phép hoạt động kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ cao dẫn tới hoạt động mại dâm, thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng và ký kết hợp đồng lao động đối với các nhân viên nữ phục vụ tại cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, triệt phá ổ nhóm tệ nạn xã hội, xử lý nghiêm khắc cơ sở, đối tượng vi phạm, làm trong sạch địa bàn...
Tuy nhiên, hiện tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh, khu du lịch đang là vấn đề nóng của dư luận xã hội, nhiều chính sách, chương trình can thiệp tích cực, trợ giúp cho người bán dâm ở tỉnh Quảng Bình còn gặp khó khăn...