Xu hướng mới trong ngân sách quốc phòng 2022 của Mỹ
Ngân sách quốc phòng năm 2022 là ngân sách đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden và đã thể hiện rõ những xu hướng tác chiến mới của Mỹ.
Theo báo cáo của truyền thông Mỹ, Chính quyền Biden đã chính thức đệ trình ngân sách quốc phòng đầu tiên lên Quốc hội Mỹ vài ngày trước. Từ góc độ tổng thể của ngân sách quốc phòng, đặc điểm lớn nhất là tập trung vào cạnh tranh trong tương lai giữa các cường quốc.
Cùng với đó, Mỹ cũng tiếp tục tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ và vũ khí trang bị tiên tiến, giảm mạnh các nền tảng vũ khí cũ, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp trang bị vũ khí, gia tăng cường độ cạnh tranh trong các công nghệ mới nổi như mạng và không gian quân sự.
Ngân sách quốc phòng năm 2022 của Mỹ có nhiều điểm đặc biệt. Nguồn: huanqiu. |
Theo đệ trình ngân sách quân sự năm tài chính 2022 của Mỹ, tổng ngân sách quốc phòng là 753 tỉ USD, trong đó 715 tỉ USD được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, và 38 tỉ USD được phân bổ cho Bộ Năng lượng, chịu trách nhiệm phát triển và bảo trì các đầu đạn hạt nhân.
Với mức chi 715 tỉ USD cho năm 2022 đã tăng tăng 11 tỉ USD so với năm 2021. Trong đó, tổng ngân sách của Lục quân là 174 tỉ USD, giảm 1,5 tỉ USD, Hải quân là 207 tỉ USD, tăng 4,6 tỉ USD, Không quân là 204 tỉ USD, tăng 8,8 tỉ USD.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tuyên bố rằng, ngân sách này là ngân sách hàng năm lớn nhất trong lịch sử của Quân đội Mỹ, nhất là trong việc phát triển và thử nghiệm các công nghệ vũ khí mới, với tổng vốn đầu tư 112 tỉ USD.
Đáng chú ý, Quân đội Mỹ có kế hoạch đầu tư 2,3 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ vi điện tử, 874 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và 398 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G quân sự, nhằm cấu thành "sự chỉ huy và kiểm soát chung toàn cầu" hiện đang được Quân đội Mỹ xây dựng.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang chuẩn bị đầu tư 3,8 tỉ USD để tiếp tục phát triển vũ khí siêu thanh, bao gồm tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm xa của Lục quân, "vũ khí tấn công tức thời thông thường" của Hải quân và "vũ khí phản ứng nhanh tiên tiến" của Không quân.
Khi quy mô ngân sách tổng thể không tăng đáng kể, việc quân đội Mỹ tăng cường đầu tư vào ngân sách nghiên cứu phát triển có nghĩa là ngân sách mua sắm sẽ giảm. Theo dự thảo ngân sách, ngân sách mua sắm năm tới là 133,6 tỉ USD, giảm gần 6%.
Trước đó, cộng đồng quốc phòng Mỹ cho rằng kỳ vọng của chính quyền Biden về việc số lượng tàu chiến và máy bay chiến đấu sẽ được tăng lên đáng kể, nhưng với việc phân bổ ngân sách như trên, rõ ràng tham vọng này đã thất bại.
Kế hoạch mua sắm của Không quân đã giảm từ 26 tỉ USD trong năm 2021 xuống còn 22,8 tỉ USD năm 2022. Không quân Mỹ có kế hoạch mua 48 máy bay chiến đấu F-35A, 12 máy bay chiến đấu F-15EX và 14 máy bay tiếp dầu KC-46.
Chi phí đóng tàu của Hải quân cũng đã giảm từ 23,3 tỉ USD xuống còn 22,6 tỉ USD, bao gồm việc đóng hai tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, một tàu khu trục DDG-51, tàu hộ vệ nhỏ lớp Constellation đầu tiên, tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia đầu tiên và hai tàu sân bay lớp Ford.
Đồng thời, để tiết kiệm ngân sách, Hải quân và Không quân Mỹ cũng sẽ cho nghỉ hưu một số lượng lớn máy bay chiến đấu và tàu chiến cũ đang trong thời gian tại ngũ.
Không quân sẽ cho nghỉ hưu 42 máy bay cường kích A-10, 48 máy bay chiến đấu F-15C/D, 47 máy bay chiến đấu F-16C/D, 20 máy bay trinh sát RQ-4 Global Hawk, 18 máy bay tiếp dầu KC-135, 14 máy bay tiếp dầu KC-10, 13 máy bay vận tải C-130H và 4 máy bay chỉ huy E-8. Hải quân cũng sẽ cho nghỉ hưu 7 tàu tuần dương và 2 tàu tác chiến ven bờ.
Không giống như Lực lượng Không quân và Hải quân, các lực lượng không gian và mạng đã nhận được sự quan tâm chưa từng có. Ngân sách của lực lượng vũ trụ là 17,4 tỉ USD, cao hơn nhiều so với 15,2 tỉ USD của năm nay.
Lực lượng Không gian vũ trụ sẽ mua 2 vệ tinh GPS III với khả năng chống nhiễu chùm tia và 5 "tên lửa vận tải an ninh quốc gia". Ngân sách cho lực lượng mạng đạt 10,4 tỉ USD, cao hơn 600 triệu USD so với năm nay.
Trong số đó, phần ngân sách dành cho chiến tranh mạng được tăng lên 4,3 tỉ USD để tăng cường khả năng bảo vệ mạng lưới cơ sở hạ tầng quốc phòng và thành lập thêm 4 đơn vị tác chiến mạng.
NATO tập trận ‘phô trương sức mạnh’ trước thượng đỉnh Putin-Biden
Gần hai chục tàu của các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu tập trận ngoài khơi Bồ Đào Nha để thực hành chuyến đi sắp tới đến Biển Đen.
Đức Trí (lược dịch)