Ukraine ‘từ bỏ’ hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt?
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) đang hoạt động ở Israel sẽ không thể bảo vệ đầy đủ các cơ sở chiến lược ở nước này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, nguyên nhân là đặc điểm kỹ chiến thuật của hệ thống phòng thủ tên lửa này tương đối thấp đối với việc bảo vệ lãnh thổ khỏi tên lửa và rocket không điều khiển.
Defense Express dẫn nguồn tin từ quân đội Ukraine cho biết thêm, hệ thống Iron Dome bảo vệ Israel khỏi các tên lửa bay chậm trong một khoảng cách ngắn và được chế tạo trong các nhà để xe trên lãnh thổ của các nước láng giềng.
Đồng thời, theo ông Reznikov, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ không thể giải quyết triệt để các vấn đề bảo vệ các cơ sở chiến lược như nhà máy điện hạt nhân hay sân bay của Ukraine.
Hệ thống phòng không Vòm Sắt của Israel. (Ảnh: Wikipedia) |
Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba cho hay, chính quyền nước này đã đề nghị Israel hỗ trợ tăng cường khả năng phòng không và an ninh mạng của họ.
Kiev đã nhiều lần thể hiện sự quan tâm đến việc mua hệ thống phòng không Vòm Sắt và hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel. Tuy nhiên, việc cung cấp thiết bị quân sự loại này có thể bị cản trở bởi mối quan hệ của Israel với Nga.
Theo Nezavisimaya Gazeta, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky tới Israel có thể làm sáng tỏ nhiều điều về nguồn cung vũ khí. Cho đến nay, Kiev đang thực hiện các bước nhằm xây dựng lòng tin với đối tác Trung Đông này.
Được biết, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt do các công ty Israel Rafael Advanced Defense Systems và Israel Aerospace Industries phát triển với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Mỹ đã đi vào hoạt động vào ngày 27/3/2011.
Khẩu đội Iron Dome bao gồm một radar mảng pha quét điện tử đa năng (AESA) EL/M-2084, một đài chỉ huy và ba bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir; hoạt động ở chế độ tự động giám sát tình hình trên không.
Tamir là tên lửa phòng không tương đối nhỏ với đầu dẫn đường bằng radar chủ động. Tên lửa đánh chặn Tamir (khối lượng 90 kg, dài 3 m, đường kính 160 mm, tầm bắn 17 km, dùng ngòi nổ không tiếp xúc) có giá xấp xỉ 60.000 USD. Tổ hợp được chế tạo theo dạng “container” cho phép vận chuyển và triển khai nhanh chóng.
Vòm Sắt có khả năng chống lại tên lửa không điều khiển có tầm bắn từ 4-70 km, có hiệu quả chống lại máy bay bay ở độ cao 10.000m. Ngày 10/3/2012, Jerusalem Post cho biết, hệ thống đã bắn hạ 90% tên lửa phóng từ Gaza nhằm vào các khu vực dân cư; đến tháng 11/2012, hệ thống này được cho là đã chặn được trên 400 quả rocket.
Trước đó, ý định mua sắm hệ thống Iron Dome đã được Ukraine cân nhắc từ năm 2014. Trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine khi đó, hệ thống pháo phản lực đa nòng Grad (Mưa đá) từ phía quân ly khai được xem là một vũ khí chủ lực, chuyên pháo kích, phá hủy đáng kể các thiết bị vũ khí, nhân lực của quân đội Kiev.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Aytech Bizhev, cựu Phó tổng tư lệnh Lực lượng Không quân Nga, kế hoạch của Kiev nhằm mua hệ thống phòng không Vòm Sắt chỉ mang tính chất tuyên bố và có thể thành hiện thực theo cách duy nhất.
Theo ông Bizhev, Kiev sẽ chỉ có thể nhận các hệ thống phòng không của Israel như “một món quà”, điều này rõ ràng không áp dụng cho các kịch bản thực tế về xây dựng hệ thống phòng không.
“Hệ thống phòng không Vòm Sắt có chi phí cao và tầm hoạt động ngắn nên một vấn đề nữa đặt ra cho Ukraine đó là các quỹ tiền khổng lồ sẽ được yêu cầu để trang trải ngay, tất nhiên cả ở những cơ sở chiến lược quan trọng nhất của đất nước”, tướng Bizhev giải thích.
“Vòm Sắt là một thú vui rất tốn kém. Quá đắt đỏ. Hơn nữa, tên lửa của Nga không ‘thô sơ và đơn giản’ như của Palestine”, Thiếu tướng người Nga cảnh báo.
Thanh Bình (lược dịch)
Một cặp chiến đấu cơ Su-57 mới bất ngờ xuất hiện
Những người yêu thích chụp ảnh máy bay mới đây đã ghi lại khoảnh khắc một cặp máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm Su-57 mới được chế tạo khi chúng dừng chân tại sân bay Tolmachevo của Novosibirsk, Siberi, Nga.