Tàu tuần tra của Mỹ và Nga ‘dằn mặt nhau’ ở biển Đen, ai sẽ rút lui?
Mỹ và Nga đều đang duy trì sự hiện diện của tàu tuần tra mạnh mẽ ở biển Đen, tàu hai nước đã “so kè” với nhau trong toàn bộ hải trình ở khu vực này.
Theo báo cáo của Defense Blog ngày 9/5, các tàu hải quân Nga đã "theo dấu" các tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ở Biển Đen.
Theo báo cáo, một bức ảnh do Cơ quan Biên phòng Nhà nước Ukraine công bố cho thấy, tàu tuần tra Pavel Derzhavin mới nhất của hải quân Nga mang số hiệu 363 và hai tàu cảnh sát biển Nga hiện diện gần tàu USCGC Hamilton của Tuần duyên Mỹ ngoài khơi thành phố Odessa, Ukraine.
Vào thời điểm đó, tàu tuần duyên của Mỹ đang tổ chức một cuộc tập trận chung trên biển với Cơ quan Biên phòng Quốc gia Ukraine.
Tàu tuần tra Nga và Mỹ chạm mặt ở biển Đen. Nguồn: Sina. |
Theo báo cáo, tàu tuần tra Pavel Derzhavin là tàu tuần tra 22160 mới nhất của Nga. Tàu được áp dụng khái niệm mô-đun hóa vũ khí trong quá trình chế tạo và được trang bị công nghệ vô tuyến, hệ thống sonar tiên tiến nhất.
Được biết, hôm 27/4, Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ thông báo, tàu USCGC Hamilton của Tuần duyên Mỹ đang hướng đến Biển Đen. Các báo cáo trước đó nói rằng Mỹ đã lên kế hoạch đưa tàu khu trục vào Biển Đen vào giữa tháng 4/2021, nhưng sau đó đã hủy bỏ kế hoạch này.
Báo cáo cho biết, Hạm đội Biển Đen của Nga bắt đầu tập trận tác chiến hàng hải ở Biển Đen vào ngày 3/5, cùng thời điểm tàu Hamilton tiến vào Biển Đen, Nga đã theo dõi sát sự xuất hiện của tàu Mỹ. Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Nga nêu rõ: "Hạm đội Biển Đen đã bắt đầu giám sát tàu tuần tra Hamilton đã tiến vào Biển Đen từ ngày 27/4".
Hamilton là lớp tàu tuần tra lớn nhất của Tuần duyên Mỹ vào những năm 1960. Lớp tàu này dài 115 m, ngang rộng nhất 13 m, mớn nước 4,6 m, lượng choán nước 3.250 tấn, tầm hoạt động 22.530 km. Tàu vũ trang 1 pháo Oto Breda 76 mm, hệ thống pháo cận chiến bắn nhanh Phalanx (6 nòng, 25 mm, tốc độ bắn hơn 2.000 phát/phút), 2 pháo tự động 25 mm Bushmaster.
Tàu có 2 động cơ diesel và 2 động cơ turbin khí, tốc độ tối đa 29 knot (53,7 km/giờ). Tàu có thể mang theo 24 sĩ quan và 160 thủy thủ, hoạt động liên tục 45 ngày trên biển. Tàu còn có nhà chứa trực thăng dạng mái vòm có thể kéo ra thu vào.
Tàu có chức năng tuần tra lãnh hải, cứu hộ cứu nạn, khảo sát đại dương, và có thể hoạt động ở mọi vùng biển trên thế giới, chịu được sóng to gió lớn, nên còn có tên là tàu tuần tra cỡ lớn có độ bền cao (high endurance cutter).
Tuần duyên Mỹ có tất cả 12 tàu lớp Hamilton. Sau hơn 40 năm phục vụ, hầu hết các tàu lớp Hamilton đã được loại biên và chuyển giao cho các nước đối tác của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Thay thế tàu lớp Hamilton là các tàu lớp Legend hiện đại hơn và lớn hơn (dài 127 m, ngang rộng nhất 16 m, lượng choán nước 4.600 tấn, tầm hoạt động 22.000 km, tốc độ tối đa 52 km/giờ...).
Trong khi đó, tàu tuần tra Dự án 22160 là tàu tuần tra cỡ lớn, tàng hình của hải quân Nga. Nhiệm vụ chính của loại tàu này là tuần tra, giám sát và bảo vệ ở các vùng biển. Chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này đã được đặt hàng vào tháng 2/2014.
Tàu thuộc Dự án 22160 có khả năng hoạt động trên biển trong 60 ngày, đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ và lượng giãn nước 1.700 tấn. Tàu có thủy thủ đoàn khoảng 80 người và phạm vi hoạt động lên đến 6.000 hải lý. Vũ khí chính trên tàu hiện chỉ bao gồm pháo 76 mm AK-176MA mà chưa được tích hợp tên lửa Kalibr.
Bên cạnh vai trò phòng thủ và bảo vệ vùng kinh tế biển, chiến hạm Dự án 22160 còn có khả năng hoàn thành nhiệm vụ hộ tống, chống cướp biển và thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Chúng được trang bị pháo 76,2 mm, tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và súng máy.
Tuy nhiên nhiều ý kiến trong nội bộ Nga đã chỉ trích gay gắt chiến hạm Dự án 22160, nó bị phàn nàn là mang theo dàn vũ khí trang bị quá yếu, trên thực tế chỉ có duy nhất bệ pháo 76 mm AK-176MA.
"Ngay cả các tàu bọc thép cỡ nhỏ của Ukraine cũng vượt trội về hỏa lực so với chiến hạm Dự án 22160 to lớn nhưng vô dụng này. Ít nhất tàu của Ukraine còn được trang bị tên lửa chống tăng bên cạnh pháo hạm", một ý kiến được đăng tải.
Chương trình F-35 ‘tiến thoái lưỡng nan’ khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ
Chương trình F-35 của Mỹ giờ đây đang bị vây trong “muôn trùng khó khăn” khi loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi cuộc chơi.
Đức Trí (lược dịch)