Iran ‘hạ chiến thư’ với Mỹ bằng tên lửa mang tên Soleimani
Iran vừa “hạ chiến thư” với việc Mỹ tuyên bố sẽ khôi phục gần như tất cả các lệnh trừng phạt đối với Tehran, bằng cách đặt tên cho tên lửa mới của mình là Liệt sĩ Soleimani.
Theo Reuters, ngày 20/8, Iran đã công bố động cơ phản lực cánh quạt thế hệ thứ tư, tên lửa đạn đạo đất đối đất và tên lửa hành trình mới. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết, tên lửa đất đối đất này được đặt tên là Liệt sĩ Qassem Soleimani; tên lửa hành trình được đặt tên là Liệt sĩ Abu Mahdi al-Muhandis.
"Các tên lửa và đặc biệt là tên lửa hành trình rất quan trọng với chúng tôi. Việc tăng tầm bắn của chúng từ 300 lên 1.000 trong chưa đầy 2 năm qua là một thành tựu lớn", Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định.
Tên lửa đạn đạo đất đối đất mới của Iran mang tên Liệt sĩ Soleimani. Nguồn: Sina. |
Được biết, ngày 3/1, Mỹ đã tiến hành một cuộc không khích nhằm vào đoàn xe chở thiếu tướng Soleimani và ông Abu Mahdi al-Muhandis, một chỉ huy - phó chủ tịch ủy ban của hội đồng lực lượng dân quân Iraq PMF hùng hậu được Iran hậu thuẫn, ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq.
Ông Muhandis được cho là cố vấn hàng đầu của thiếu tướng Soleimani, hay “người của Iran”, tại Iraq. Cái chết của hai viên chỉ huy này làm người Iran “phẫn nộ”, ngay sau đó, Tổng thống Iran Hasan Rouhani tuyên bố: “Iran và các quốc gia tự do khác trong khu vực sẽ trả thù trước tội ác ghê rợn của Mỹ".
Ngày 29/6, Iran đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Trump và hàng chục quan chức Mỹ khác, tuyên bố rằng, họ có liên quan đến cái chết của Tướng Soleimani, đồng thời yêu cầu Interpol hỗ trợ, nhưng đề nghị của Iran đã ngay lập tức bị Interpol từ chối.
Về phía Mỹ, vừa qua, Washington đã cố gắng khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Tehran. Tổng thống Trump hôm 19/8 tuyên bố, Mỹ sẽ yêu cầu Liên Hợp Quốc nối lại "gần như tất cả" các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo cho biết Ngoại trưởng Pompeo từ ngày 20-21/8 sẽ đến New York để thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc Mỹ đang tiến hành các thủ tục khôi phục lệnh trừng phạt Iran. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm việc cấm các hoạt động làm giàu uranium của Iran và gia hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran thêm 13 năm.
Tên lửa Liệt sĩ Abu Mahdi al-Muhandis của Iran. Nguồn: Sina. |
Việc Iran “khoe cơ bắp” bằng cách đặt tên 2 vị tướng bị Mỹ tiêu diệt cho tên lửa mới của mình được cho là hành động “hạ chiến thư” đối với động thái trên của Mỹ. Theo các quan chức Iran, tầm bắn của tên lửa đất đối đất mới đạt 1.400 km, và tầm bắn của tên lửa hành trình đã vượt quá 1.000 km. Điều này đủ để gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hầu hết các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông, thậm chí có thể đe dọa nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở biển Arab.
Ngoài ra, việc Iran đặt tên tên lửa mới theo tên hai vị tướng thiệt mạng vào thời điểm này cũng nhằm gửi tín hiệu tới Quân đội Mỹ rằng Iran sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại và cũng không tha thứ, thể hiện quyết tâm đối đầu với Mỹ đến cùng của Iran.
Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng, việc Iran phát triển các tên lửa mới đã tăng cường hơn nữa và mở rộng phạm vi, khả năng tấn công đất đối đất của Iran. Hiện, một số lượng lớn các căn cứ và cơ sở quân sự của Mỹ ở Trung Đông đã nằm trong phạm vi tấn công của Iran, điều này sẽ buộc Quân đội Mỹ phải điều thêm hệ thống phòng không Patriot đến Trung Đông.
Chuyên gia quân sự Abdollah Ebadi thuộc hãng thông tấn Iran FARS cũng đã nêu đích danh 8 căn cứ quân sự Mỹ tại Cận Đông nằm trong khả năng tấn công của Iran. Ngoài các căn căn cứ quân sự trên, các đơn vị quân sự Mỹ thường trực tại Iraq và Afghanistan cũng nằm trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác thì nhận định, tên lửa hành trình hiện do Iran phát triển chỉ có tầm bắn hơn 1.000 km, trong khi tên lửa Tomahawk của Mỹ có tầm bắn 2.500 km, có nghĩa là công nghệ tên lửa hành trình của Iran vẫn còn “non nớt”. Iran cần có được công nghệ tiên tiến hơn từ Nga, để nâng tầm bắn tên lửa của mình mới có thể gia tăng khả năng răn đe đối với quân đội Mỹ.
Tehran đang sở hữu những tên lửa đạn đạo với tầm bắn trên 2.000 km, cùng tên lửa hành trình Soumar có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km. Cùng với đó, Iran cũng đang tập trung phát triển nhiều loại tên lửa tiến công nhằm bù đắp thiếu hụt về không quân so với Mỹ và đồng minh. Nhưng chỉ như vậy là chưa đủ để lấp khoảng trống của tiêm kích và oanh tạc cơ chiến lược giữa Mỹ và Iran.
Belarus đã qua mặt Nga như thế nào để xuất khẩu vũ khí sang Mỹ?
Belarus bất chấp những phản ứng từ Nga để “đi đêm” với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí, cụ thể là đạn dược, nhằm khôi phục lại ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Đức Trí (lược dịch)