Quặn lòng nghe chuyện bà đi nuôi cháu ở “Xóm tự kỷ”
Một chiếc áo mà Linh đã cắn rách khi học ở trên lớp |
Nghẹn ngào cảnh bà nội nuôi cháu tự kỉ
Trong một con hẻm nhỏ 236, P.17, Q. Bình Thạnh, ven Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí, người dân nơi đây vẫn thường gọi với cái tên nghe thật cám cảnh “Xóm tự kỷ”. Bởi nơi đây có đến hàng chục gia đình có con mắc bệnh tự kỉ từ khắp các vùng quê đổ về làm nơi trú chân tạm cho mình.
Đó là những căn phòng đơn sơ chỉ với một vài bộ quần áo treo gọn gàng và các đồ dùng cũng được treo trên cao. Xung quanh nhà chỉ vương vãi những đồ chơi của con trẻ. Lý giải điều này, bà Phạm Thị Dịu, 57 tuổi đang nuôi cháu bị tử kỉ là Lê Ngọc Bảo Linh cho biết, đồ đạc phải treo lên không sợ cô cháu gái nghịch ngợm mà nuốt phải.
Bà Dịu tâm sự, sau năm lần bảy lượt phải di chuyển khắp các vùng đất từ Nam Định đến Long An bà đã dừng chân tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh để an cư lạc nghiệp. Những tưởng cuộc sống sẽ khấm khá lên, nhất là khi con trai đầu của bà sinh được một bé gái khỏe mạnh. Thế nhưng do cuộc sống chật vật, 2 vợ chồng thường đi làm xa, để bé Linh cho bà chăm sóc. Song vì nhiều công việc nên bà Dịu thường cho cháu ngồi xem ti vi và chơi một mình để tiện lo việc cơm nước. Đến năm Linh 2 tuổi, cả gia đình tá hỏa khi thấy Linh có những biểu hiện bất thường như không nói năng gì, chỉ chơi một mình, hay cắn xé giấy vụn, gặp cái gì cũng nhai…
Đưa Linh lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì các bác sĩ bảo bé bị mắc chứng tự kỉ nhưng phải đợi đến 3 tuổi mới cho đi điều trị được. Trớ trêu, đến năm bé lên 3 tuổi, gia đình vẫn chưa dành đủ tiền để đưa Linh lên Sài Gòn chạy chữa. Phải đợi đến nửa năm sau, gia đình mới gom góp được số tiền hơn 50 triệu và bắt đầu cuộc hành trình đưa Linh đi học tại trường Khai Trí vào đầu tháng 3/2014.
Bà Dịu cho biết sẽ cố gắng cầm cự để điều trị cho Linh |
Ban đầu, cả mẹ Linh và bà Dịu đều thống nhất sẽ ở lại chăm con nhưng sau 1 tháng tiêu tốn đủ mọi thứ. Từ tiền trọ 2,5 triệu/tháng đến tiền học phí 5,5 triệu, tiền học thêm 4,5 triệu đến tiền ăn, tiền sữa… ngót nghét một tháng cũng tiêu tốn đến 15 triệu đồng, bà Dịu quyết định để mẹ bé Linh về lo cơm nước cho chồng và kiếm thêm thu nhập, còn bà ở lại một mình xoay sở trông cháu.
Ngày đầu đi học, Linh cứ nằm giữa lớp, cắn xé rách hết quần áo và không chịu ngồi chung với bạn bè. Về nhà, bé không chịu ngủ, có khi khóc cười cả đêm, không thể nào dỗ dành được. Nhất là việc, bé thường chạy khắp nhà, cầm được cái gì cũng đút vào miệng nên có khi cả đêm bà Dịu phải thức trắng để trông cháu. Những lúc buồn muốn mở ti vi coi bà cũng không dám vì sợ cô cháu gái sẽ bệnh nặng thêm.
“Lễ 30/4 vừa rồi, tôi mới ghé về nhà được vài ngày thì hốt hoảng khi nhìn thấy căn nhà lâu ngày không có bàn tay mình chăm sóc, nay cỏ mọc đến tận vào trong cửa, vách nhà”, bà Dịu buồn rầu nói.
Cố gắng cầm cự
Vào những lúc cháu đi học, bà Dịu tranh thủ kiếm việc làm thêm như rửa bát thuê ở quán ăn. Mỗi ngày bà cũng kiếm được 70.000 đồng nhưng cũng không thấm vào đâu. Bởi chỉ chưa đầy 4 tháng, bà Dịu đã tiêu đứt gần 60 triệu đồng. Tình cảnh nhà càng kiệt quệ, khiến cậu con út của bà đang học lớp 11 cũng phải nghỉ học giữa chừng, đi cạo mủ cao su để nuôi cháu chữa bệnh.
“Mấy bữa nay, ba nó cũng gọi điện lên bảo nhà hết tiền rồi, chưa biết chạy đâu. Tính bán miếng đất đang ở nhưng mọi người đều can ngăn. Bên ngoại thì nói cháu nó chỉ bị chậm nói thôi nên không cho đi học trên Sài Gòn, tốn tiền lắm. Nhưng ba mẹ cháu bảo, dù có phải bán hết tài sản đi cũng phải lo chữa bệnh cho cháu. Để sau này, cháu có thể tự lập được, chứ bố mẹ có sống được hết đời để chăm sóc cháu đâu”, bà Dịu thở dài.
Điều mà bà Dịu mừng vui nhất hiện nay là bé Linh đã biết đùa giỡn với bà.
Cũng trong hoàn cảnh bà nội nuôi cháu tự kỉ, bà Lê trọ sát trường Khai Trí, với giá phòng trọ lên đến 3,5 triệu/ tháng cho biết, quê bà ở tận Bạc Liêu. Ngày Quân 4 tuổi vẫn chưa biết nói, gia đình đưa đi khám ở Bệnh viện tai – mũi – họng vẫn không phát hiện điều gì. Sau này đưa lên khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng, bác sĩ nói Quân bị tự kỉ. “Nghe bác sĩ kết luận mà mồ hôi tôi tuôn ra xối xả, còn cảm nhận được chúng rơi lộp độp nữa”.
Trong khi đó, mẹ bé Quân cũng vừa sinh thêm một bé gái, nên chỉ có một mình bà Lê chăm sóc cháu và phải mướn thêm một cô gái nữa về phụ giúp. Dù phải chạy vạy ngược xuôi nhưng gia đình bà Lê vẫn lo cho cháu đi học đến khi khỏi bệnh.
Cô Trần Thị Tấm, 32 tuổi, giáo viên Trường Giáo dục chuyên biệt Khai Trí cho biết, trường có khoảng 180 em, trong đó có gần nửa các bé đến từ các tỉnh trong cả nước. Tùy theo tâm sinh lí của mỗi bé mà có thể được trở về nhà sớm hoặc muộn. Thông thường, mỗi bé điều trị ít nhất trong vòng 2 năm, nhưng cũng có những bé phải mất đến 4 năm mới chữa được chứng tự kỉ.
Cũng theo cô Tấm, hiện tại nhiều bậc phụ huynh mang tâm lý quá nặng nề khi con mắc bệnh tự kỷ. Trong khi đó, hội chứng tự kỉ chủ yếu là nguyên nhân bẩm sinh, lỗi không hoàn toàn từ cách chăm sóc của cha mẹ. Do đó, các bậc phụ huynh cần theo dõi sự phát triển của con cái, phát hiện “gia đoạn vàng” để điều trị kịp thời. Trong trường hợp, trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, gia đình không can thiệp y khoa để rơi vào tình trạng nguy kịch hơn thì có thể trí tuệ bé sẽ phát triển chậm. Nặng hơn là rối loạn tâm thần, sống chung với bệnh suốt đời.