Quan điểm “đàn bà là giống khó hiểu” của TS Đoàn Hương bị chỉ trích?
Ths Hoàng Tú Anh |
Cộng đồng mạng đang lan truyền bài nói chuyện của TS Đoàn Hương khi cho rằng phụ nữ là “giống” khó hiểu. Tuy nhiên, theo Ths Hoàng Tú Anh, giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số thì việc báo chí đăng tải những bài dạng này đã vô tình củng cố định kiến xã hội về phụ nữ khiến cho bất bình đẳng giới vẫn dai dẳng thậm chí tệ hơn.
Là người có nhiều năm nghiên cứu về giới, Ths Tú Anh rất bức xúc khi có rất nhiều bài báo không biết vô tình hay hữu ý “nói xấu” phụ nữ. Chẳng hạn như bài báo về buổi nói chuyện mới đây của TS Đoàn Hương tại một cơ quan, phóng viên đã ghi lại lời nhận xét của vị tiến sĩ khi kết luận “đàn bà là giống khó hiểu” với khá nhiều tính xấu.
Theo đó bài báo này dẫn lại lời của TS Đoàn Hương cho rằng: “Đàn bà là giống cực kỳ khó hiểu. Các vị không thể biết hết được người đàn bà đang nằm cạnh mình đâu. Đừng nghĩ rằng nó nằm cạnh mình, nó ôm mình, nó âu yếm mình, nó yêu mình mà nó là của mình. Có khi nó lại của ông hàng xóm”.
Tuy nhiên, theo Ths Tú Anh thì chị đặc biệt chú ý đến chi tiết một cô bạn được bạn trai tặng ô tô giá trị 1,6 tỷ thì vị tiến sĩ này đã nhận định luôn: “Nếu tôi là một người đàn ông, không bao giờ tôi bỏ một tỉ sáu để mua một cô bồ hơn 40 tuổi”, hay một cô học trò bỏ chồng định làm mai nhưng cô ấy mới ngỏ ý đổi chung cư thì vị tiến sĩ đã phán chắc nịch: “Tôi nghĩ cái mụ hơn 30 tuổi nạ dòng này mà đòi những 3 tỉ. Thôi tôi im luôn chả mối lái gì nữa”
“Thông qua chi tiết này tôi muốn nói, mình không thể đánh giá một người, hay một mối quan hệ dựa vào tuổi như vậy. Ở đây vị tiến sĩ này đang dùng thước đo rất thường xuyên của xã hội về phụ nữ là tuổi tác, nhan sắc để đánh giá giá trị của họ mà không nghĩ rằng bản thân mỗi người phụ nữ cũng có những giá trị tốt đẹp khác nữa”.
Vị chuyên gia đắm đuối cả đời với công cuộc bình đẳng giới thất vọng cho rằng, TS Đoàn Hương là một người có vị thế trong xã hội, những phát ngôn của chị có ảnh hưởng tới số đông. “Trong bài báo nói có hàng trăm người trong buổi nói chuyện đó, như vậy những ý kiến của chị ảnh hưởng trực tiếp đến số người có mặt tại buổi hôm đó, tuy nhiên khi bài báo lên trang, được lan truyền trên khắp diễn đàn thì sức ảnh hưởng của nó đến hàng triệu người… Họ sẽ nhìn nhận người phụ nữ như thế nào?”- Ths Tú Anh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của Ths Tú Anh, một chuyên gia tâm lý khác cũng cho biết: Anh bạn tôi sau khi đọc tin cô gái rửa bát lấy chồng tỷ phú chỉ sau một đêm lên bar, anh này đã thốt lên “mình có 2 đứa con gái, sau này cho đi rửa bát rồi cho lên bar là được vậy”.
Phóng viên không nên đơn thuần đưa lại sự kiện
Bình luận về những ý kiến về phụ nữ trong các bài báo nêu trên, TS Khuật Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội ngắn gọn cho rằng, những bài báo lãng xẹt như thế này không biết định giáo dục ai, về giá trị gì? Vị TS này cũng thẳng thắn bày tỏ, những nhà làm luật và thực thi luật Bình đẳng giới có đủ hiểu tác hại của những bài báo kiểu này không?
Ths Tú Anh cũng cho biết thêm, bình đẳng giới trong những năm qua được hệ thống truyền thông đặt vào một trong những các mục tiêu quan trọng, tuy nhiên qua theo dõi báo chí chị thấy quá trình thực hiện có vấn đề.
Lý giải cho điều này, Ths Tú Anh cho rằng: Giới là cái gì rất trừu tượng, chưa được nhận thức một cách đúng đắn trong xã hội hiện nay. Những phóng viên, người làm truyền hình, họ cũng sống trong xã hội được lớn lên, giáo dục như những người khác, vì thế không mong đợi các bạn phóng viên có nhận thức về giới khác số còn lại.
Vì thế, để truyền thông không vô tình “tiếp tay” cho định kiến về giới khiến cho bất bình đẳng giới vẫn dai dẳng thậm chí tệ hơn cần phải có những buổi tập huấn, giáo dục đào tạo nghiêm túc nhằm làm tăng nhạy cảm giới khi viết bài. Mỗi phóng viên khi nhìn hiện tượng sẽ nhận ra vấn đề phản biện chứ không phải chỉ đơn thuần đưa lại sự kiện.